Mỗi năm, cả nước có thêm khoảng 120.000 đến 130.000 DN mới được thành lập thì cũng có khoảng 70.000 - 80.000 DN phải rời bỏ thị trường. Mục tiêu đạt một triệu DN hoạt động vào năm 2020 đang gặp nhiều thách thức. Hiện nay, điều kiện để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN về mặt thủ tục khá đơn giản. Sau khi chuyển đổi, DN sẽ dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; với tư cách pháp nhân là DN thì hàng hóa cũng dễ được đưa vào hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng toàn cầu; tạo điều kiện để phát triển và bảo vệ thương hiệu, thuận lợi trong việc huy động vốn. Việc chuyển đổi thành DN giúp quy mô sản xuất kinh doanh lớn hơn, bài bản hơn và là cơ hội tốt trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành DN cũng có lợi cho ngân sách nhà nước bởi đây là khu vực có dư địa về thuế lớn.
Tuy nhiên, có một thực tế là hộ kinh doanh cá thể lại “không muốn lớn” thành DN. Điều lo ngại của nhiều hộ kinh doanh vẫn là sự chưa chắc chắn, bởi lẽ lên DN thu nhập có thể lớn hơn nhưng cũng có thể giảm đi. Bên cạnh đó còn phải đối diện với nhiều vấn đề như thanh tra, kiểm tra, chi phí ngầm và hàng loạt những thủ tục hành chính rườm rà khác… Thậm chí theo Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - VCCI, những trở ngại này đã khiến nhiều DN tình nguyện chuyển thành hộ kinh doanh.
Thực tế, mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai các Nghị quyết hỗ trợ DN, nhưng phản ánh từ cộng đồng DN cho thấy, vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn.
Tinh thần của dự thảo Luật DN sửa đổi nên tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình pháp lý khác là DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty cổ phần. Không thể ép buộc bằng mệnh lệnh hành chính. Và để khuyến khích hộ cá thể chuyển đổi lên DN, ngoài sự quyết định lựa chọn của người kinh doanh, cơ quan quản lý cần đóng vai trò hỗ trợ, nâng đỡ tốt hơn, thực chất hơn.
Việc động viên và thúc đẩy phát triển hộ kinh doanh cần được thực hiện bởi những biện pháp và chính sách khác trên cơ sở coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường. Chính phủ cần ưu tiên triển khai Luật Hỗ trợ DN vừa vào nhỏ, miễn giảm thuế và thay đổi các thủ tục hành chính, kế toán, kiểm toán… các hộ kinh doanh cá thể thấy có lợi, tự khắc họ sẽ chuyển đổi thành DN mà không cần khuyến khích, động viên. Luật DN cần tính đến tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành một thế hệ DN tư nhân đủ lớn mạnh.