Không thể chủ quan với động đất

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định của một chuyên gia địa chất kiến tạo phía Nam khi trao đổi với chúng tôi về những trận động đất xảy ra ở Kon Tum mới đây. Chuyên gia này nói: Động đất ở Kon Tum có thể lên đến 5,6 độ richter.

Theo báo chí, từ chiều 23 đến sáng 24/8 trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, đã xảy ra liên tiếp nhiều trận động đất, dao động từ 2,5 - 4,7 độ richter. Trận đầu tiên có độ lớn 4,7 độ richter gây rung chấn mạnh nhất từ trước đến nay.

Điều nhiều người quan tâm là nguyên nhân nào khiến động đất xảy ra dày đặc như vậy, liệu nó có xảy ra với cường độ mạnh hơn hay không?

Trong vòng khoảng hơn 100 năm, từ năm 1903 đến năm 2020, khu vực huyện Kon Plông chỉ ghi nhận khoảng 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay đã xảy ra một loạt trận động đất với khoảng gần 200 trận mới. Nhận định bước đầu là động đất kích thích, gây ra bởi hồ chứa thủy điện.

Vị chuyên gia địa chất kiến tạo phía Nam nói trên cho biết cụ thể: Cực đại khả năng phát sinh động đất trên địa bàn huyện Kon Plông nếu liên quan đến thủy điện Thượng Kon Tum có thể đến 5,6 độ richter. Với cấp độ này, khả năng thiệt hại về người và của có thể là rất lớn.

Vị này cho biết động đất nguy hiểm ở chỗ những tai biến thứ cấp sẽ xảy ra. Ông nói: Các tai biến địa chất thứ cấp như cháy, nổ, chập điện; đá nổ, đá văng, sạt lở núi, vách ta luy, nứt đất, nứt nhà, nứt đứt thủy điện, thủy lợi, có thể vỡ đập hồ chứa gây thảm lũ quyét cục bộ, chết người, vật nuôi, cuốn trôi nhà cửa; sạt lở mỏ lộ thiên gây tai nạn lao động trong mỏ… Các rủi ro vừa nêu là có thể xuất hiện, cần thiết có cảnh báo sớm, ứng phó phù hợp, kịp thời.

Động đất ở Kon Tum được nghĩ có từ nguyên nhân do hồ chứa thủy điện mang lại không phải là điều mới mẻ. Trước đó, những trận động đất xảy ra ở các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam cũng được nghĩ đến do nguyên nhân từ hồ thủy điện Sông Tranh. Được biết, các hồ thủy điện khi làm dự án đều được thăm dò, khảo sát để dự báo về động đất. Tuy nhiên dự báo về động đất hiện vẫn hết sức khó khăn.

Cách nay mấy năm, chúng tôi được dự một buổi báo cáo luận án tiến sĩ về động đất. Theo nghiên cứu sinh, vùng đất Nam Trung Bộ có khả năng xảy ra động đất đến 7 độ richter. Một vị phản biện: “Nhưng trong tư liệu suốt mấy trăm năm không có động đất nào ở vùng này lớn như vậy”.

Vị nghiên cứu sinh trả lời: “Phương pháp thống kê của người Pháp cho thấy đúng là suốt mấy trăm năm không có động đất lớn đến 7 độ richter ở Nam Trung Bộ. Nhưng theo phương pháp mới của Mỹ mà tôi dùng thì cho kết quả như vậy. Phương pháp nói chứ tôi không nói”.

Điều nhà khoa học trẻ nói trên đưa ra có nghĩa là chúng ta hết sức cẩn trọng trước thiên nhiên vốn mỏng manh. Quan trọng nữa, không được chủ quan trước hiện tượng động đất đã nói ở trên (có người cho là “nhẹ” không đáng chú ý), vì hậu quả của nó để lại là khôn lường. Đã qua thời coi thủy điện là năng lượng sạch. Chúng ta cần cẩn trọng hơn nữa khi cấp phép làm hồ thủy điện, nghĩ đến tác động của nó đến môi trường một cách toàn diện hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần