Không thể chủ quan với lạm phát

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù lạm phát vẫn trong vòng kiểm soát nhưng áp lực từ nay đến cuối năm vẫn còn lớn, do đó, cần có giải pháp hợp lý, kịp thời và thiết thực đối với cả DN cũng như người dân để kiểm soát lạm phát.

Chính phủ cần lưu ý kiểm soát lạm phát, giám sát thị trường

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2022 chỉ tăng 0,4% so với tháng trước, bình quân 7 tháng tăng 2,54%, nhưng áp lực lạm phát còn lớn không thể chủ quan. Nguyên nhân là trong tháng 7, có tới 10/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng so với tháng trước, khiến CPI tăng 0,4% - mức tăng khá cao.

Người tiêu dùng vẫn phải đợi để giá hàng hóa giảm theo giá xăng dầu
Người tiêu dùng vẫn phải đợi để giá hàng hóa giảm theo giá xăng dầu

Các nhóm như: lương thực tăng 0,31%, đồ uống và thuốc lá (+0,39%); may mặc, mũ nón, giày dép (+0,32%); nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,49%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,32%); văn hóa, giải trí và du lịch (+0,79%); hàng hóa và dịch vụ khác (+0,43%)…

Đặc biệt trong tháng 7/2022, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,37%, trong đó, giá thịt lợn, thực phẩm chủ đạo trong bữa ăn của người Việt tăng tới 4,29%. Đây cũng là nhóm giữ quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI, do vậy đã tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm. Bên cạnh giá thịt lợn tăng cao; nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng; và giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển.

Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Thu Oanh cho biết, tại Việt Nam, việc sản xuất và cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm luôn được đảm bảo. Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân, nên giá cả thời gian qua tương đối ổn định. Tuy nhiên, nguy cơ đối diện với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ tạo áp lực lên tiêu dùng trong nước.

Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi tăng, khiến giá thịt gia súc, gia cầm, thủy sản tươi sống đã tăng trở lại, đặc biệt là giá thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Vì vậy, để kiềm chế lạm phát, các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

 

"Bão giá" vật liệu xây dựng cùng nguồn nhân lực bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 khiến ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn. Điều đáng lo ngại là dòng tiền và hiệu quả kinh doanh sụt giảm mạnh bởi chi phí lớn, dẫn đến hầu hết DN xây dựng có nợ đọng từ vài trăm đến vài ngàn tỷ đồng. "DN xây dựng phải vay ngân hàng để bảo đảm thi công. Nợ đọng khiến DN đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ. Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - Nguyễn Quốc Hiệp

Giá xăng dầu giảm liên tiếp 5 lần trong tháng 7 và đầu tháng 8 với mức độ giảm rất lớn, chứ không “nhỏ giọt” như  trước nhưng cước taxi, vé “xe khách” vẫn chưa chịu giảm. Thậm chí, giá lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu từ gạo, bánh mì, mỳ sợi... đến mỳ, phở, cháo ăn liền, bột mỳ, miến, phở, ngũ cốc, thủy sản tươi sống, dầu ăn, rau củ, nước mắm, đường, bơ, sữa, bánh, mứt, kẹo... còn tăng.

“Nếu như giá cả các loại hàng hoá không giảm thì sẽ tác động lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% và tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2022. Nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn đối diện với nhiều thách thức. Giá dầu thế giới vẫn neo ở mức cao, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được nối lại. Bên cạnh căng thẳng Nga-Ukraine thì sự xuất hiện của căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ mới đây cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới”- chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích.

“Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng hàng hoá những tháng cuối năm tăng cao, để kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, chúng ta lại phải tìm mọi cách để thiết lập một mặt bằng giá mới, để phù hợp với tình hình biến động của giá xăng dầu”- ông Long nói thêm.

Không thể mãi “té nước theo mưa”

Báo cáo tại cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với một số bộ ngành, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù CPI bình quân 7 tháng năm 2022 chỉ tăng 2,54% so với cùng kỳ nhưng nếu so với cuối năm 2021 thì đã tăng 3,59%, và gấp gần 2,3 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 (1,59%). Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm vẫn còn lớn. Và áp lực này sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho điều hành vĩ mô, có thể làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, DN, kết quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; gia tăng chi phí sinh hoạt, tăng thêm khó khăn cho người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp.

Để kiểm soát giá cả hàng hoá, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, trong đó đã giao Bộ Công Thương đẩy mạnh theo dõi sát diễn biến thị trường, thực hiện đảm bảo cân đối cung - cầu.

“Giá nhiều loại hàng hoá thời gian qua tăng chóng mặt theo giá xăng dầu, nhưng lại chưa giảm kịp thời theo giá xăng dầu. Tôi đồng ý DN họ cần có “độ trễ” trong điều chỉnh giá cả phù hợp với giảm giá xăng dầu thời gian vừa qua, tuy nhiên “độ trễ” này chỉ nên kéo dài từ 1-2 tuần, nhiều là 3 tuần, còn nếu kéo dài hơn nữa thì tôi thấy rất phi lý và phải được các cơ quan có trách nhiệm xem xét, xử lý. Nhất là đối với các dịch vụ giao thông vận tải, theo tôi, không có một đơn vị nào dự trữ xăng dầu đến 1-2 tháng cả”- chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ.

 

Tại thời điểm này không nên thay đổi mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Đồng thời, khi ổn định kinh tế vĩ mô Việt Nam phải thực hiện tốt các chính sách vi mô, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh.

Nguyên viện trưởng CIEM - TS Nguyễn Đình Cung

Theo ông Doanh, trên thị trường thế giới, các mặt hàng quốc tế sản xuất sẽ giảm ngay sau khi giá xăng giảm, vì nếu không sẽ không thể cạnh tranh được, do đó, nếu hàng hoá trong nước vẫn không giảm thì sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hoá của Việt Nam khi xuất khẩu. Theo đó, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có những biện pháp phù hợp để giá nguyên, nhiên liệu và giá cả hàng hoá trong nước được điều chỉnh phù hợp theo giá xăng. Đây cũng là cách để Việt Nam nâng cao năng lực cho hàng hoá xuất khẩu trong nước và ổn định đời sống người dân, giúp DN hồi phục.