Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không thể hạ chuẩn tín dụng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thừa nhận các doanh nghiệp cần được ngành ngân hàng hỗ trợ, chia sẻ khó khăn, nhưng theo đại diện NHNN và chuyên gia trong ngành, rất khó để hạ chuẩn tín dụng cho vay.

Lo ngại nợ xấu

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, nếu doanh nghiệp nhìn vào việc một số ngân hàng hiện vẫn có lợi nhuận cao so với trước thì cần có cái nhìn cặn kẽ, thấu đáo hơn. Ví dụ, tại sao ngân hàng có lãi cao, lợi nhuận đó có bền vững không? Lợi nhuận của doanh nghiệp khác ngân hàng ở chỗ, doanh nghiệp có doanh thu theo tháng, nhưng ngân hàng phải đợi lấy lãi mới có doanh thu. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp mà khó khăn thì ngân hàng cũng khó khăn, chỉ là cái khó của ngân hàng đến sau doanh nghiệp.

“Tình hình kinh tế như hiện nay, nợ bình thường còn khó thu hồi, vậy nên nợ xấu làm sao thu được? Ngân hàng muốn chia sẻ, nhưng vi phạm luật thì ai chịu trách nhiệm? Ngân hàng không thể vượt quy định và các điều kiện, thủ tục cần phải theo đúng quy chế”, ông Hùng đặt vấn đề.

 Ảnh minh hoạ

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Minh Cường, nói: “Doanh nghiệp có khả năng sản xuất, nhưng không có khả năng để đi vay, vậy cần có cơ chế để cho vay, chứ không thể ép các ngân hàng phải cho vay. Các ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn tín dụng để cho vay, bởi bản thân họ cũng là doanh nghiệp”.

Công ty chứng khoán SSI Research nhận định, nợ xấu tiềm ẩn của các ngân hàng sẽ tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2021 cũng như nửa đầu năm tới. Chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này sẽ tăng dần cho cả năm 2021 và năm 2022. Các khoản nợ xấu mới từ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đặt ra những thách thức hơn nữa về vốn cho các ngân hàng. Với mỗi 1% nợ xấu tăng thêm, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ước tính giảm từ 40 đến 80 điểm cơ bản.

Chia sẻ tại họp báo chiều 12/10, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết bài toán hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp hiện nay không đơn giản. "Cứ thả cửa ra, cần bao nhiêu tín dụng cũng cho vay hết bấy nhiêu thì thời gian nữa sẽ mất thanh khoản, rối loạn nền kinh tế ngay", Phó Thống đốc nói. 

Ông Đào Minh Tú khẳng định NHNN sẽ tạo điều kiện mở rộng tín dụng nếu nền kinh tế cần thiết, nhưng không đặt ra vấn đề hạ điều kiện, tiêu chuẩn tiếp cận tín dụng để bảo đảm an toàn. Tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu, không chỉ trung, dài hạn mà ngay tại nợ xấu trước mắt. "Dễ dãi với tín dụng hôm nay có thể khiến chúng ta phải trả giá đắt cho tương lai"- Phó Thống đốc nói và khẳng định NHNN luôn song hành mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, cách nào?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, các ngân hàng thương mại cũng đang rất khó khăn, họ phải giải quyết vấn đề tiền huy động về không thể chôn một chỗ, nhưng cho vay chủ quan không cẩn thận thì sau này có sai phạm có thể vướng vào pháp lý chứ không chỉ là mất vốn. Do đó, ông cho rằng cần bài toán tổng hợp, gói hỗ trợ phải đặt ra là hỗ trợ ai, lĩnh vực nào, địa phương nào thì mới hỗ trợ trúng. Ưu tiên những đối tượng có khả năng phục hồi, có thể lan toả tích cực tới doanh nghiệp, lĩnh vực khác.

Đặc thù của Việt Nam khác với các nước trên thế giới khi doanh nghiệp Việt Nam đang dựa chủ yếu vào nguồn vốn từ tín dụng. Trong khi đó trên thế giới, nguồn vốn của doanh nghiệp đến từ nhiều nguồn đa dạng từ cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu… còn lại vốn lưu động thiếu mới vay ngân hàng, chỉ khoảng 30%.

“Dường như chúng ta đang dựa quá nhiều vào hệ thống ngân hàng, kể cả trước, trong và thậm chí sau dịch Covid-19, khi 60% tín dụng của nền kinh tế đến từ ngân hàng. Câu hỏi đặt ra là ngoài ngân hàng còn có nguồn vốn nào khác và đã được huy động hết chưa? Câu hỏi cần có lời giải đáp để giải toả sức ép cho hệ thống ngân hàng”, chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Minh Cường nói.

Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, nhận xét: Việt Nam muốn lấy lại đà tăng trưởng kinh tế nhanh, cần phải đẩy thêm tiền, cụ thể là tín dụng. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cần có sự điều phối hài hòa nếu không muốn để lại những hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta có thể thấy hệ thống ngân hàng đã làm gần như hết sức. NHNN đã hạ lãi suất điều hành, giá vốn đã giảm và dự kiến lợi nhuận các NHTM sẽ giảm khoảng 1 tỷ USD năm 2021. Chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng đã “gồng mình” lên rất nhiều, dù bên cạnh đó vẫn còn chính sách tài khóa.

Theo gợi ý của ông Andrew Jeffries, muốn đẩy tiền ra nền kinh tế, muốn cho doanh nghiệp vay vốn dù doanh nghiệp không đáp ứng chuẩn vay trong bối cảnh hiện nay, một chương trình có thể áp dụng là bảo lãnh tín dụng. Cụ thể: Chính phủ bảo lãnh một số hoạt động cho vay hay chương trình tín dụng (bảo đảm rủi ro) để cho phép ngân hàng thương mại cho một số doanh nghiệp đạt yêu cầu được vay vốn.

TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh cũng cho rằng, gợi ý của Chủ tịch Quốc hội về xây dựng gói giảm lãi suất quy mô hơn 2.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất, nên được thảo luận một cách nghiêm túc.

Ông Lê Xuân Nghĩa khẳng định, tất cả các nước đều dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ DN. Họ gần như không dám sử dụng hệ thống ngân hàng thương mại vào việc này. Họ đều phải vay để tài trợ doanh nghiệp, vay từ dân, vay từ ngân hàng trung ương (thông qua trái phiếu chính phủ). “Tại Việt Nam, chỉ cần hoán đổi một phần quỹ dự trữ ngoại tệ 107 tỷ USD cũng có thể tạo ra nguồn lực rất lớn” - TS Lê Xuân Nghĩa gợi ý.

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực lại đề cập việc phải phát huy vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương. “Hiện Việt Nam có 28 quỹ nhưng hoạt động không hiệu quả. Các quỹ này cần sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như một số quốc gia vẫn làm”, ông Cấn Văn Lực đề xuất.

Lũy kế từ 23/1/2020 cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Về cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/1/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng.