Không thể lơi là với lạm phát

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang tăng trở lại sau một thời gian khá dài duy trì ở mức thấp. Diễn biến này đã làm dấy lên những lo ngại về khả năng lạm phát sẽ tăng cao trở lại vào cuối năm nay.

Sau Tết, CPI không giảm

Phân tích về diễn biến CPI trong 3 tháng qua, bà Vũ Thị Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho hay, theo quy luật diễn biến giá cả thường giảm mạnh sau Tết Nguyên đán, tuy nhiên năm nay lại ngược lại. Cụ thể, CPI 2 tháng gần đây bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. CPI tháng 2/2016 tăng 0,42%.

Tháng 3 này, CPI tiếp tục tăng cao hơn tháng 2, lên mức 0,57% so với tháng trước; tăng 1,69% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được cho là do một loạt quyết định hành chính như: Tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khiến giá các mặt hàng dịch vụ y tế áp dụng cho đối tượng có bảo hiểm y tế tăng 32,9%, kéo theo chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng rất mạnh 24,34%, qua đó góp phần làm cho CPI chung tăng khoảng 1,27%. Ngoài ra, việc thực hiện lộ trình tăng học phí tại một số tỉnh, TP đã làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,66%.
Người tiêu dùng lựa chọn mua rau quả tại siêu thị Co.opMart. Ảnh: Thế Anh
Người tiêu dùng lựa chọn mua rau quả tại siêu thị Co.opMart. Ảnh: Thế Anh
Đáng chú ý, trong khi giá thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục tăng thì 9 nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại đều có xu hướng giảm giá. Trong đó, giảm nhiều nhất là nhóm giao thông với 3,64%, do giá xăng dầu trong nước giảm 7,71% so với tháng trước; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,48%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,23%... Điều này cho thấy, tác nhân làm thay đổi cục diện chung của CPI nằm ở giá cả các mặt hàng do Nhà nước quản lý.

Lạm phát cuối năm có thể vượt 5%

Từ những diễn biến gần đây trên thị trường, nhiều khả năng chỉ số CPI tháng 12 năm nay sẽ có mức tăng khá cao, khả năng vượt mức 5%, gây áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát. Dự báo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, có khá nhiều yếu tố tác động tới CPI trong các tháng tới. Theo đó, vào tháng 7/2016, sẽ có thêm một đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế, đến tháng 9 giá dịch vụ giáo dục cũng sẽ điều chỉnh. Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới hiện đã có hướng tăng trở lại. “Kỳ tăng tháng 3 chưa trùng với kỳ tính giá CPI lần này nên chưa có tác động nhiều nhưng từ tháng sau giá xăng dầu tăng và sẽ có tác động” – bà Vũ Thị Thu Thủy khẳng định.

Ngoài ra, dù tác động ít hơn song một số mặt hàng tiêu dùng như sắt thép, mỳ chính, bột ngọt cũng sẽ tăng giá. Vừa qua, Bộ Công Thương đã có quyết định về việc sử dụng các biện pháp phòng vệ tạm thời đối với một số mặt hàng nhập khẩu, qua đó tăng thuế nhập khẩu với các mặt hàng phôi thép, thép dài, mỳ chính, khiến giá các mặt hàng này đã rục rịch tăng. Và với độ trễ của tác động chính sách, việc áp dụng thuế này sẽ phản ánh vào CPI cả nước trong thời gian tới. Ngoài ra, nhu cầu về vốn cho nền kinh tế tăng cũng sẽ là yếu tố gây áp lực tăng về lãi suất, qua đó làm tăng giá tiêu dùng nói chung. Trong tháng qua, giá gạo cũng đã tăng lên do nhu cầu thu gom gạo cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, những đợt thiên tai như rét đậm, rét hại, xâm nhập mặn… đã làm giảm năng suất và sản lượng lúa gạo sẽ gây tác động không nhỏ tới mặt bằng giá lúa gạo.

Mặc dù vậy theo đánh giá của đại diện Tổng cục Thống kê, mức tăng CPI của quý I/2016 vẫn là mức tăng khá thấp so với cùng kỳ của các năm trước. Những chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần quan trọng vào kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô.

Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá dẫn chứng, diễn biến của thị trường cho thấy từng có thời gian tỷ giá biểu hiện căng thẳng, với giá tiến gần trần biên độ cho phép, nhưng sau đó đã giảm trở lại. Cách thức điều hành tỷ giá mới đã làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ ra lấy VND để hưởng lợi tức lớn hơn, giải phóng lượng ngoại tệ bị đầu cơ, găm giữ trong thời gian qua.

Cũng theo bà Đỗ Thị Ngọc, cách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đã làm cho đồng tiền Việt Nam có giá trị hơn trên thị trường. Giá vàng trong nước đã tiệm cận với giá vàng thế giới, biến động cùng xu hướng của thế giới, không còn tình trạng “sốt vàng” gây bất ổn kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trước những rủi ro vẫn tiềm ẩn trong 9 tháng kế tiếp thì khuyến nghị đặt ra từ nay tới cuối năm, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu (gạo, xăng dầu, sắt thép, phân bón..) khi tăng trở lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.
Chưa thể lơi là, chủ quan với lạm phát, bởi còn có những yếu tố làm tăng lạm phát. Tín dụng được định hướng tăng cao hơn năm trước, trong khi dư nợ tín dụng đã cao hơn GDP; tốc độ tăng huy động năm trước đã thấp hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng; nợ xấu chưa được giải quyết triệt để; tỷ giá tăng cao để ứng phó với sự mất giá của đồng tiền ở Trung Quốc và các nước là đối tác thương mại lớn…
Chuyên gia kinh tế Đào Ngọc Lâm

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần