Không thể “nhờn dịch”

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang trải qua những ngày gồng mình chống dịch và đã thu được kết quả đáng ghi nhận.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 3/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo, cùng nhiều đại diện của các bộ, ngành, chuyên gia đều đánh giá, Hà Nội thực hiện bài bản, đúng chiến lược các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
Các ý kiến đều cho rằng, Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trong đợt bùng phát lần này do đã triển khai tích cực, khẩn trương việc truy vết và khoanh vùng nhanh các trường hợp F1, F2, rà soát kịp thời những người từ Chí Linh (Hải Dương) và Vân Đồn (Quảng Ninh) về.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, Hà Nội đã làm việc rất tích cực, vào cuộc sớm và bài bản với kinh nghiệm từ các đợt phòng, chống dịch trước nên cơ bản đã kiểm soát được dịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 Chử Xuân Dũng, Hà Nội đang nỗ lực thực hiện xét nghiệm và có kết quả sớm để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, thực hiện cách ly, phong tỏa phù hợp cho từng khu vực, bảo đảm không bỏ sót... Thành phố đã nâng cao cảnh báo hơn một mức so với chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu tất cả quán bar, karaoke, game, internet tạm dừng hoạt động; yêu cầu các lễ hội có sự điều chỉnh với chỉ đạo chung của thành phố; Công an thành phố tiến hành xử phạt nghiêm những trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng; tập trung lấy mẫu xét nghiệm sớm nhất tất cả trường hợp F1, F2…

Đó là về phía các cơ quan chức năng. Về phía người dân, có thể thấy người Hà Nội đã tỏ ra bình tĩnh hơn so với những đợt bùng phát dịch trước đây. Đêm 6/3/2020, thời điểm mà Hà Nội tuyên bố ca mắc Covid-19 đầu tiên trên địa bàn Thành phố, thực hiện phong tỏa cách ly những hộ dân từ số nhà 125 đến 139 Trúc Bạch cùng toàn bộ bệnh nhân, người nhà và các y bác sĩ của Bệnh viện Hồng Ngọc, người dân Thành phố đã có tâm trạng bất an, thậm chí hoảng loạn trước mối đe dọa của đại dịch Covid-19 cùng những hệ lụy có thể xảy ra của nó như khan hiếm lương thực, thực phẩm, dụng cụ y tế, khẩu trang, thuốc chữa bệnh... Những ngày vừa qua, người Hà Nội vẫn tỏ ra bình tĩnh. Người Hà Nội vừa phòng dịch, vừa chuẩn bị đón Xuân Tân Sửu, tập trung theo dõi diễn biến Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bày tỏ sự tin tưởng, phấn khởi trước thành công của Đại hội. Có được sự bình tĩnh đó, là do người Hà Nội cùng cả nước đã có những trải nghiệm, trở thành điểm sáng của cả nước về công tác phòng, chống dịch với những biện pháp khoa học, quyết liệt, thực hiện thành công nghiệp vụ kép, vừa phòng chống dịch vừa ổn định và phát triển kinh tế. Đó là điều rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, cũng phải nhận xét rằng, do công tác phòng chống dịch đạt kết quả tốt, trước khi dịch bùng phát trở lại từ Chí Linh và Vân Đồn cả một thời gian dài Hà Nội không phát hiện ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, kể cả thời điểm tháng cuối tháng 7/2020 có hàng chục nghìn người trở về từ tâm dịch Đà Nẵng mà không ít người Hà Nội phần nào đã có tâm lý chủ quan, “nhờn dịch”. Không khó thấy tình trạng người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng, mặc dù đã có quy định xử phạt rất nghiêm khắc. Hiện tại, như Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhận xét, công tác truy vết còn gặp nhiều khó khăn do các bệnh nhân di chuyển phức tạp; nhiều người dân đi từ vùng dịch về chậm trễ trong việc khai báo y tế...

Mặc dù tình trạng nói trên đã được khắc phục trong những ngày dịch tái bùng phát vừa qua, song cũng cần nhắc lại một lần nữa để thấy rằng việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 không thể có một chút lơ là, đặc biệt là trong bối cảnh biến thể mới của SARS-CoV-2 lây lan rất nhanh. Để sống chung an toàn với dịch, mỗi người dân cần ý thức được trách nhiệm của mình, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống theo thông điệp 5K của Bộ Y tế. Không thể “nhờn dịch”!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần