Không nắm được thông tin công ty thẩm định giá?
Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Quốc Anh, phía bệnh viện không thống nhất về giá mà phải căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của các cơ quan có thẩm quyền. Nếu chứng thư thẩm định giá thấp hơn 39 tỷ đồng thì phải căn cứ vào chứng thư thẩm định giá. Việc liên danh liên kết là phù hợp nhưng vấn đề triển khai cụ thể thì có phần không đúng theo quy định của pháp luật bởi chưa hiểu rõ các quy định.
Trong đề án liên danh liên kết này, bị cáo Quốc Anh cho biết có cử bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai để triển khai các bước hoàn thành thủ tục và không nắm được công ty thẩm định giá nào, không biết nhân viên của công ty thẩm định giá. Đặc biệt, không đề nghị Công ty BMS giới thiệu công ty thẩm định giá.
“Với trách nhiệm của người đứng đầu, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng tôi và cả bệnh viện chỉ mong có thiết bị tốt nhằm giúp đỡ người bệnh, giảm chi phí cho người bệnh” - bị cáo Nguyễn Quốc Anh nói.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc “hưởng lợi”, bị cáo Nguyễn Quốc Anh cho biết thông thường bên có máy hưởng 70%, phía bệnh viện 30%. Nhưng với 2 loại máy này, bệnh viện đàm phán được hưởng 50%, không phải trả tiền khấu hao máy. “Chúng tôi hoàn toàn vì người bệnh, vì bệnh viện” - bị cáo Nguyễn Quốc Anh khai.
Trong khi đó, theo cáo buộc của VKS, bị cáo Quốc Anh hưởng lợi 100 triệu đồng và 10.000 USD. Lý giải điều này, cựu Giám đốc cho biết vào những ngày lễ Tết, bị cáo Tuấn có tới chúc Tết Ban giám đốc và mỗi lần gửi 10 – 20 triệu đồng. “Lúc đầu, tôi nghĩ là quà lễ Tết, không nghĩ là chuyện tiêu cực. Nhưng trong quá trình làm việc với CQĐT, tôi xác định đó là số tiền không chính đáng nên đã nộp lại số tiền trên” - bị cáo Quốc Anh khai nhận.
Trong khi đó, khai báo trước tòa, bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền (thừa nhận nội dung cáo trạng là đúng. Trước HĐXX, bị cáo Hiền thừa nhận việc bản thân tham gia đề án liên danh liên kết và có được giám đốc phân công. Việc thẩm định giá, bị cáo không biết VFS; bị cáo có sơ suất vì không đọc lại những quy định về thẩm định giá.
Bị cáo Nguyễn Quốc Anh giữ vai trò chính trong vụ án
Theo VKS, bệnh viện Bạch Mai có chủ trương phát triển ngoại khoa nên năm 2016, Phạm Đức Tuấn đã đến gặp Nguyễn Quốc Anh để chào bán loại robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật với giá 39 tỷ đồng và robot Mako giá 44 tỷ đồng. Giám đốc Bạch Mai không đồng ý vì thủ tục phức tạp nên hai bên thống nhất Công ty BMS sẽ liên doanh với bệnh viện Bạch Mai để lắp đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá do Tuấn tự đưa ra.
Bị cáo Nguyễn Quốc Anh sau đó tự ý ký hợp đồng với Công ty BMS dù không thống nhất, báo cáo theo quy chế bệnh viện và quy định của Bộ Y tế. Để có thể hợp thức giá robot, Phạm Đức Tuấn liên hệ với Công ty thẩm định giá VFS nơi Trần Lê Hoàng làm việc. Tuy nhiên, qua xác minh đã làm rõ Công ty BMS nhập khẩu robot Rosa từ Pháp về sân bay Nội Bài, hàng mới 100% và nguyên giá là hơn 7,4 tỷ đồng. Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot này thực hiện phẫu thuật sọ não cho 637 ca bệnh, làm tăng chi phí và gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỷ đồng.
Theo đại diện VKS, quá trình triển khai đề án liên danh liên kết, Phạm Đức Tuấn khai đã biếu cho các lãnh đạo bệnh viện. Việc nhận tiền, bị cáo Nguyễn Quốc Anh khai được nhận 100 triệu đồng và 10.000 USD…, VKS cho rằng lời khai này có cơ sở.
VKS nhận định hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, xâm phạm đến quyền lợi của người bệnh. Các bị cáo đều có nghiệp vụ chuyên môn vững vàng trong lĩnh vực mà mình công tác, đáng lẽ các bị cáo phải quyết tâm đem lại lợi ích cho người bệnh nhưng hành vi của các bị cáo lại gây ra dư luận xấu trong quần chúng Nhân dân, khiến nhiều người bệnh bị thiệt hại…
Cũng theo đại diện VKS, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Quốc Anh giữ vai trò chính; bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền giữ vai trò giúp sức và các bị cáo còn lại tại bệnh viện Bạch Mai giữ vai trò thực hiện. Các bị cáo tại BMS và Công ty thẩm định giá giữ vai trò đồng phạm giúp sức.
Theo đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quốc Anh mức án từ 5 – 6 năm tù; bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền mức án từ 4 – 5 năm tù; Trịnh Thị Thuận (Kế toán trưởng, Trưởng phòng tài chính kế toán bệnh viện) bị đề nghị xử phạt mức án từ 30 – 36 tháng tù nhưng cho được hưởng án treo; Lý Thị Ngọc Thủy (nguyên Phó trưởng phòng tài chính kế toán bệnh viện) bị đề nghị xử phạt mức án từ 24 – 30 tháng tù nhưng cho được hưởng treo.
Đối với các bị cáo ở Công ty BMS, đại diện VKS đề nghị xử phạt Phạm Đức Tuấn (Giám đốc Công ty) mức án từ 30 – 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Ngô Thị Thu Huyền (Phó Giám đốc) đề nghị xử phạt từ 24 – 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo ở VFS, bị đại diện VKS đề nghị xử phạt Trần Lê Hoàng (nguyên Thẩm định viên) mức án từ 30 – 36 tháng tù; Phan Minh Dung (nguyên Tổng Giám đốc) từ 24 – 30 tháng tù theo đúng tội danh truy tố.