70 năm giải phóng Thủ đô

Không tiếp nhận cấp cứu khiến người dân tử vong: Có thể bị phạt tù tới 5 năm

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật sư nhận định, trong trường hợp bệnh viện hoặc y bác sĩ trong bệnh viện cố ý không tiếp nhận bệnh nhân mà không có lý do chính đáng dẫn tới trường hợp bệnh nhân tử vong thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh theo Điều 315 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), mức cao nhất của khung hình phạt là 5 năm tù.

Văn phòng Chính phủ đã có Công điện số 5646/CĐ-VPCP ngày 16/8 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về thông tin báo chí phản ánh việc 5 cơ sở y tế tại tỉnh Bình Dương không tiếp nhận cấp cứu khiến một người dân tử vong. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc, trường hợp có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, chấn chỉnh ngay công tác tiếp nhận và cấp cứu đối với bệnh nhân; các trường hợp cấp cứu phải được tiếp nhận và xử lý kịp thời theo đúng quy định. Đồng thời, có các giải pháp cụ thể không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc và phải đáp ứng các nhu cầu chăm sóc y tế, khám chữa bệnh của người dân.

Con gái ông D. thông tin về sự việc. Ảnh: VOV.VN

Trước đó, đêm 13/8, người nhà thấy ông N.D. (57 tuổi, quê tỉnh Trà Vinh, thuê trọ tại phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bị nôn ói, sức khỏe yếu nên nhờ hàng xóm dùng xe tải đưa ông đi cấp cứu. Tuy nhiên, sau khi đến 5 cơ sở y tế trên địa bàn thì đều bị từ chối, không nhận cấp cứu. Cụ thể, khi đến Trung tâm Y tế TP Dĩ An, cơ sở này từ chối tiếp nhận với lý do đang điều trị bệnh nhân Covid-19. Địa điểm thứ hai là Phòng khám Ngọc Hồng, ông D. được xét nghiệm nhanh Covid-19 và có kết quả âm tính. Tuy nhiên, sau khi thăm khám và hỏi tiền sử bệnh, bác sĩ cho rằng tình trạng của ông D. quá nặng, vượt khả năng của phòng khám nên đề nghị cho ông D. chuyển viện lên tuyến trên.

Sau đó, ông D. được đưa đến Bệnh viện Quân đoàn 4, Bệnh viện Đa khoa An Phú và Phòng khám Đa khoa tư nhân Nam Anh. Tuy nhiên, tất cả cơ sở y tế trên không tiếp nhận bệnh nhân với lý do các bác sĩ đi chống dịch Covid-19, không đủ trang thiết bị để cấp cứu. Gia đình đành đưa ông D. về phòng trọ, đến rạng sáng hôm sau, ông này tử vong. Lãnh đạo TP Dĩ An hiện đã yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn phải mở cửa 24/24 giờ, tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân với tất cả bệnh khác nhau, không được từ chối bệnh nhân.

Phản ánh tới báo chí, chị Huỳnh Thị Như Ngọc (quê Anh Giang, tạm trú tại phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho biết, tối 10/8, con trai là Nguyễn Huỳnh Nhật Huy, 8 tháng tuổi bị sốt cao nhưng không có bệnh viện nào tiếp nhận. Có nơi nêu lý do không nhận cấp cứu trẻ dưới 5 tuổi vì không có chuyên khoa, chỗ thì đang điều trị bệnh nhân Covid-19 nên không tiếp nhận bệnh thông thường. Sau cùng chỉ có Phòng khám Phụ sản nhi khoa Sài Gòn tiếp nhận khám cho bé với chẩn đoán sốt xuất huyết. 

Trường hợp khác cũng ở “cửa tử”, vỡ ối sắp sinh, nhưng không được bệnh viện nào tiếp là chị Lý Thị Đa Ghi (35 tuổi, quê Sóc Trăng, tạm trú tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Các bệnh viện, phòng khám ở TP Dĩ An, TP Thuận An, nơi thì đóng cửa, nơi thì lắc đầu không nhận. Quá lo lắng, hai vợ chồng lên TP Thủ Dầu Một tìm bệnh viện. Đến chốt kiểm soát dịch Covid-19 ngay ngã tư Địa Chất, đoạn qua TP Thủ Dầu Một, trong lúc đang làm thủ tục qua chốt thì người vợ bị vỡ ối. Rất may, một nữ cựu chiến binh có kiến thức về y tế đã đỡ đẻ thành công, cứu sống được hai mẹ con...

Luật sư Nguyễn Đào Tơ

Ở góc độ pháp lý, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy cho hay, gần đây xuất hiện một số trường hợp người bệnh tới các cơ sở y tế, bệnh viện yêu cầu cấp cứu nhưng bệnh viện đưa ra lý do đã quá tải vì đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 nên không thể cấp cứu kịp thời các bệnh nhân khác. Tuy nhiên, cần tìm hiểu để xác định trách nhiệm của bệnh viện cũng như các y bác sĩ về nguyên nhân không tiếp nhận bệnh nhân.

Cụ thể: Trong trường hợp bệnh viện không điều phối được công việc tại các khoa chữa bệnh và không có phương án xử lý khi quá tải bệnh nhân hoặc các nguyên nhân khác dẫn tới việc không đảm bảo các bác sĩ, y tác trong hoạt động khám, chữa bệnh thì có thể bị xử lý kỷ luật về hành vi này.

Nếu y bác sĩ tại bệnh viện có chức năng khám, chữa bệnh nhưng lại từ chối khám, chữa bệnh mà không thuộc các trường hợp được từ chối thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tại Khoản 7 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức xử phạt là từ 30 - 40 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh trong thời hạn từ 6 - 9 tháng.

Đặc biệt, đối với trường hợp không ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo Khoản 2 Điều 48 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.  

Trong trường hợp bệnh viện hoặc bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện cố ý không tiếp nhận bệnh nhân mà không có lý do chính đáng dẫn tới trường hợp bệnh nhân tử vong thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh theo Điều 315 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), mức cao nhất của khung hình phạt là 5 năm tù.