Nhắc lại ý kiến một số đại biểu Quốc hội đặt vấn đề là liệu đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội có vi hiến hay không? - Đại biểu Hoàng Trung Hải nêu rõ: Khi xây dựng Đề án này, ngay từ đầu thành phố đã rất quan tâm đến việc thực hiện thí điểm có bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo cũng như lấy ý kiến của các nhà luật học, các nhà quản lý. Qua đó cho thấy đề án là đề án thí điểm và không vi hiến. Đây cũng là nội dung được khẳng định trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.
“Ủy ban Pháp luật cũng đã rất cân nhắc vấn đề này. Như tôi đã nêu, việc chuẩn bị đề án thí điểm công phu, lấy nhiều ý kiến của các cơ quan. Nếu nội dung đề án được các cơ quan kết luận là vi hiến thì chúng tôi không làm tiếp”, Đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói.
Đồng tình với ý kiến đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) và một số đại biểu đã phát biểu, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khẳng định, đây là nhu cầu thực sự của các địa phương chứ không phải chỉ riêng Hà Nội.
Các địa phương đều mong muốn thí điểm mô hình quản lý theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân tốt hơn. Về việc thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức HĐND tại cấp phường thuộc quận, thị xã theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội, theo tổng kết, các địa phương đều thấy thành công. Về việc thực hiện nội dung thí điểm, Bộ Nội vụ sẽ có tiếp thu sau.
"Về cơ bản, việc thực hiện thí điểm là hết sức cần thiết. Nhờ thí điểm, chúng ta mới rút ra được kinh nghiệm, tìm ra mô hình quản lý tốt. Nếu chúng ta không thí điểm sẽ không tìm ra được mô hình mới", Đại biểu Hoàng Trung Hải bày tỏ.
Như đại biểu Phùng Quang Hùng (Đoàn Cao Bằng) đã nêu, mô hình chính quyền của một số quốc gia phát triển cũng sử dụng chính quyền 3 cấp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, không làm mất quyền dân chủ của người dân. Người dân đã được HĐND cấp quận đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình.