Thời đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump coi việc áp thuế quan này là bằng chứng cho việc kiên định theo đuổi phương châm cầm quyền "Nước Mỹ trước hết". Nhật Bản cùng với Hàn Quốc tuy là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ và EU tuy là đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ nhưng đều bị ông Trump lôi kéo vào cuộc xung khắc thương mại với Mỹ.
Bây giờ, ông Trump không còn được tiếp tục cầm quyền ở Mỹ nữa và Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ là ông Joe Biden. Tổng thống mới và thời kỳ chính trị mới ở nước Mỹ đưa lại cơ hội cho thay đổi cơ bản mối quan hệ hợp tác của Mỹ với các đồng minh và đối tác chiến lược trên thế giới, trong đó có Nhật Bản.Việc Mỹ và Nhật Bản tiến hành đàm phán nhằm khắc phục cuộc xung khắc thương mại song phương là chuyện đương nhiên sẽ diễn ra bởi ông Biden khi còn vận động tranh cử tổng thống và trở thành Tổng thống Mỹ nhiều lần quả quyết sẽ lật ngược những quyết sách cầm quyền của người tiền nhiệm. Ông Biden tuyên bố sẽ đưa "Nước Mỹ trở lại với thế giới" và dùng việc xử lý cuộc xung khắc thương mại mà người tiền nhiệm đã phát động nhằm vào các đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ làm một trong những bằng chứng điển hình.
Nếu thật sự muốn làm "sống lại" quan hệ hợp tác với các đồng minh và đối tác quan trọng nhất của nước Mỹ thì đương nhiên ông Biden phải xử lý cuộc xung khắc thương mại nói trên. Phải hòa giải với các đồng minh và đối tác này thì ông Biden mới có thể bảo tồn khả năng tranh thủ và lôi kéo họ vào cùng phe cánh đối phó Trung Quốc. Ông Biden chủ trương tăng cường hợp tác bốn bên trong khuôn khổ Bộ Tứ kim cương cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nên không thể tiếp tục xung khắc thương mại được với Nhật Bản. Ngoài ra, sau khi ông Biden thỏa thuận với EU về xóa bỏ thuế quan bảo hộ đối với sản phẩm thép và nhôm của EU thì giờ lại càng không thể không làm như thế với Nhật Bản.