Không tự ý dùng bia để giải độc rượu, vì sao?

Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày qua, dư luận xôn xao việc bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị sử dụng bia để hỗ trợ lọc máu giải độc rượu cho bệnh nhân. Chiều 11/1, Bộ Y tế đã họp báo thông tin về trường hợp này và lý giải cơ chế giải độc rượu.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, nhóm bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị đã ứng xử tốt tình huống này, thực hiện đúng phác đồ của Bộ Y tế trong giải độc cho bệnh nhân. Tuy nhiên, lọc máu mới là biện pháp quan trọng hàng đầu và quyết định việc đào thải Methanol ra khỏi cơ thể người bệnh, còn việc sử dụng bia để cấp cứu chỉ giúp hỗ trợ quá trình lọc máu này, là giải pháp tình thế tạm thời trong điều kiện vật chất của bệnh viện còn khó khăn. Vì vậy, Bộ Y tế không khuyến cáo sử dụng biện pháp này trong điều trị giải độc Methanol.
 Bệnh nhân ngộ độc rượu
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay có 3 biện pháp chính giải độc Methanol, đó là sử dụng thuốc Fomepizole (một loại thuốc chuyên biệt dành cho người ngộ độc Methanol), lọc máu cấp cứu và dùng Ethanol bơm vào tĩnh mạch hoặc Ethanol đường uống. Tuy nhiên, thuốc giải độc Fomepizole có giá thành từ 3.000 USD đến 4.000 USD, đồng thời không được Bộ Y tế hỗ trợ. Do đó trong điều kiện của các bệnh viện tuyến tỉnh, cơ sở vật chất còn hạn chế không thể chủ động sử dụng loại thuốc chuyên biệt này. Đối với Ethanol dùng để bơm tĩnh mạch, tuy rằng biện pháp này không đắt, nhưng khi với nguồn kinh phí hạn hẹp, bệnh viện khó có thể trữ sẵn một lượng lớn sẵn sàng cứu bệnh nhân. Mặt khác, hiện nay Ethanol trên thị trường bị làm giả, các bác sĩ, bệnh viện phải rất vất vả trong việc tìm chọn nhà cung cấp Ethanol có uy tín. Trong khi đó, bia cũng có chứa Ethanol và ít bị làm giả hơn, vì vậy được lựa chọn để sử dụng.

Từ đây, bác sĩ Nguyên đưa ra khuyến cáo: “Hiện nay trên thị trường lan tràn các loại rượu giả, cồn 90 độ dùng để sát trùng có chứa Methanol. Cách tốt nhất để phòng tránh ngộ độc Methanol đó là người dân không nên sử dụng các loại rượu giả, rượu trôi nổi, các loại cồn sát trùng không rõ nguồn gốc”. Nếu bệnh nhân có triệu chứng ngộ độc thì cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất. Trong trường hợp bệnh nhân say rượu (tức ngộ độc dạng nhẹ), người nhà nên cho bệnh nhân uống đủ nước, ăn đủ đường, có thể sử dụng các loại nước quả hoặc oresol để đảm bảo đủ dinh dưỡng.

Trước tình trạng bệnh nhân ngộ độc Methanol, rượu giả tăng lên mỗi năm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng rượu, bia, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc rượu, bia thì phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc rượu, nếu đã ngộ độc ethanol có trong rượu, bia mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia có ethanol thì mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng. Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, rượu, bia giả vì các loại rượu, bia này có thể chứa Methanol.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần