Không tuyên truyền suông

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa sáng ngày 9/6 tại Hà Nội cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương và TP Hà Nội vì một môi trường không rác thải nhựa. Tuy nhiên, để phong trào lan rộng và hiệu quả thì không thể tuyên truyền suông mà cần có hành động cụ thể.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại buổi ra quân phát động phong trào chống rác thải nhựa ngày 9/6. Ảnh: Nguyễn Hiếu
Theo các số liệu được công bố, chỉ riêng 6 quốc gia ở châu Á, trong đó có Việt Nam đã thải ra biển một lượng rác thải nhựa chiếm đến 60% tổng lượng rác thải nhựa ra biển toàn cầu. Đây chính là một gánh nặng cho môi trường, thậm chí, còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia gọi là "ô nhiễm trắng". Vì vậy, giải quyết ô nhiễm môi trường nhất là ô nhiễm do rác thải nhựa và túi nilon gây ra là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, có sự chung tay của các cấp, các ngành, của toàn xã hội.
Cùng với các nước, tại Việt Nam, "Phong trào chống rác thải nhựa", hay các sáng kiến thay thế túi nilon, ống hút, sản phẩm nhựa bằng những vật dụng khác thân thiện với môi trường đã và đang được Chính phủ khuyến khích, phát động rộng rãi… Những tấm lá chuối thay thế túi nilon gói rau đã được áp dụng trong nhiều hệ thống siêu thị từ Bắc vào Nam. Bên cạnh đó, DN và người dân cũng nhiệt tình tham gia, hướng ứng thay thế túi nilon bằng những sản phẩm thân thiện hơn như túi vi sinh phân hủy hoàn toàn làm từ tinh bột ngô; thay thế ống hút nhựa bằng ống hút được làm từ cỏ sậy và các sản phẩm dùng được nhiều lần đang được nhiều nhà hàng ở Hội An, TP Hồ Chí Minh áp dụng,... đã nhanh chóng được nhiều người dân ủng hộ.
Riêng tại Hà Nội hiện cũng đang triển khai những chương trình thí điểm phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa giấy thành các sản phẩm sinh thái an toàn tại các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; chuỗi các cửa hàng cà phê Highland tại Hà Nội đã ký cam kết phân loại và thuê tái chế cốc nhựa dùng một lần và ống hút nhựa; thí điểm mô hình “Không gian xanh – Cacbon thấp” tại một số quận/huyện, trong đó hỗ trợ xây dựng các sân chơi cho trẻ em với các thiết bị và nguyên liệu tái chế từ chai nhựa và túi nilon, lốp xe, và các sản phẩm khác từ chính các hộ gia đình; Vận động ký cam kết hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy giữa các tòa nhà, khu dân cư, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; Xây dựng Bộ quy tắc ứng xử giảm thiểu chất thải nhựa tại các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội;...
Đặc biệt, với sự phối hợp tổ chức Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa và đưa ra 5 giải pháp trọng tâm thực hiện ngay trong thời gian tới của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, một lần nữa cho thấy sự quyết tâm cao của chính quyền TP Hà Nội trong việc chống rác thải nhựa.
Tuy nhiên, để các giải pháp trên đi vào cuộc sống thì mỗi người cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, không tuyên truyền suông, không vận động chay... Đó là không dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong tổ chức các sự kiện của cơ quan, đơn vị; hạn chế sử dụng ngân sách để mua sắm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Điều quan trọng nhất là xây dựng được ý thức trong mỗi người dân nói không với túi ni lông, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần