Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không vô cảm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã vào thu mà cái nắng chang chang vẫn từ trên trời dội xuống, cộng với cái nóng từ mặt đường nhựa, từ những khối bê tông hai bên đường tỏa ra làm cho người đi đường ngột ngạt.

Một phụ nữ đang gò lưng đẩy chiếc xe đạp đằng sau buộc một thúng cam sành trên giá đèo hàng, mặt đỏ gay, mồ hôi chảy ròng ròng. Những chiếc xe máy, ô tô vẫn vèo vèo xuôi ngược lướt qua… Một chiếc xe đạp điện lách lên bên cạnh làm chị luống cuống chống đỡ không nổi, cả người và xe cùng đổ vật xuống đường. Ngẩn người nhìn theo những trái cam lăn lóc trên mặt đường, nhiều trái bị bánh xe vô tình nghiền nát, chị gắng đứng dậy nhưng có vẻ như đôi chân chị không còn biết nghe lời.

Cùng lúc đó, hai em học sinh vừa đi tới đã vội vàng, người đỡ xe dựng lên, người nâng chị đứng dậy. Chị chỉ ra đường nói như hụt hơi: "Các em… giúp chị…".

Hai em nhỏ vội tháo ba lô, cặp sách để trên vỉa hè rồi bước xuống đường.

Một em giơ tay ra hiệu cho luồng xe đi tới tránh ra, còn em kia vội vàng thu nhặt những quả cam. Đang loay hoay không có gì đựng thì chị bán hàng rong đi qua, đưa cho chiếc nón đang đội trên đầu. Bà chủ cửa hàng thấy chị thồ cam ngồi ôm chân bèn chạy ra đưa cho chị hộp dầu cao và dìu chị vào hiên ngồi cho mát.

Mười lăm phút sau, chỗ cam rơi đã được thu lại. Chị hàng rong nhận lại nón đội lên đầu, nhìn thúng cam của người bạn quê đã vơi đi ít nhiều bèn lên tiếng: Bà con ơi! Ai cần xin mua giúp cho chị ấy cho nhẹ bớt, chứ nặng thế này làm sao đi tiếp khi chân bị đau. Và thế là, ngay sau câu nói ấy, bà chủ hiệu mua giúp hai cân, người qua đường thấy vậy cũng mua vài cân, người lấy dăm quả.Chị hàng cam mải cân cam, thu tiền lúc quay ra thì hai em học sinh đã đi mất từ lâu. Bà chủ hiệu lên tiếng: "Hà Nội mình còn nhiều người tốt lắm. Nếu ai cũng vô cảm đi qua, thì người gặp nạn sẽ ra sao?".