KTĐT - Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trước lo ngại về khả năng tăng trưởng tín dụng nóng sẽ xảy ra trên thị trường tiền tệ từ nay đến cuối năm 2009.
Ông Giàu phân tích, đến hết quý III/2009, tăng trưởng tín dụng đang ở mức 28%, tuy nhiên từ tháng 7 đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã giảm dần theo các tháng. Tính trung bình trong 6 tuần trở lại đây, huy động vốn mỗi tuần chỉ tăng 0,27%. Nếu trừ đi trích dự trữ bắt buộc và dữ trữ thanh toán, vốn cho tín dụng sẽ chỉ còn 2,1%. Vì thế, khả năng tăng trưởng tín dụng nóng từ nay đến cuối năm 2009 sẽ khó xảy ra.
Điều hành tiền tệ linh hoạt và thận trọng
Ông Giàu cho biết, lạm phát dự kiến của cả năm 2009 ở mức 7%, do vậy, từ nay đến cuối năm, khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ được loại trừ, bởi sự điều hành của NHNN với việc giảm lãi suất cơ bản từ 14% xuống 7%, giảm dự trữ bắt buộc từ 11% xuống 3% là hợp lý. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng, phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước.
Quý II/2009, huy động vốn tăng 10,65%, tăng trưởng tín dụng tăng 12,45%, nhưng đến quý III, huy động vốn chỉ còn tăng 4,45%, tăng trưởng tín dụng tăng 7,58%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã giảm dần theo các tháng. Thêm vào đó, hiện chênh lệch bình quân đầu vào, đầu ra của các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ còn 1,75%. Do đó, từ nay đến cuối năm 2009, sẽ không xảy ra việc tăng trưởng tín dụng nóng.
Thống đốc cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng sẽ không cao trong những tháng cuối năm, chỉ vào khoảng 1%/tháng. Tăng trưởng tín dụng hiện vẫn nằm trong mức an toàn, kể cả cho vay đối với thị trường chứng khoán và bất động sản.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, các NHTM đã lường trước được khả năng huy động vốn sẽ khó khăn hơn. Do vậy, các ngân hàng sẽ phải có phương pháp quản lý tài sản, kiểm soát rủi ro tốt hơn, hoạt động của ngân hàng vẫn đảm bảo ổn định.
NHNN tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ được thực hiện có thời hạn với mục tiêu trọng tâm là duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Nhu cầu ngoại tệ đảm bảo tốt
Trả lời câu hỏi về việc tỷ giá USD tăng mạnh thời gian qua, ông Giàu cho rằng, việc giá USD lên xuống, tăng giảm là chuyện bình thường. NHNN sẽ tiếp tục điều hành thị trường ngoại hối và lãi suất linh hoạt trong mối quan hệ với các chỉ số giá tiêu dùng, cán cân thương mại, cán cân đầu tư theo hướng khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô. Thống đốc khẳng định, hiện các nhu cầu ngoại tệ đang được đảm bảo tốt, dự trữ ngoại hối nhà nước vẫn được duy trì 12 tuần nhập khẩu.
Hiện nay, NHNN và các bộ, ngành liên quan đã và đang nỗ lực đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế để huy động các nguồn vốn hỗ trợ ngân sách trực tiếp, số ngoại tệ từ các chương trình vay này sẽ góp phần bổ sung nguồn ngoại hối cho đất nước.
Cụ thể, Việt Nam đã vay được 500 triệu USD từ Quỹ hỗ trợ chống khủng hoảng theo chu kỳ (CFS) của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và sắp tới sẽ vay từ Chính phủ Nhật Bản 500 triệu USD để hỗ trợ khắc phục tác động khủng hoảng. Tại Hội nghị thường niên WB/IMF vừa qua, Lãnh đạo Ngân hàng thế giới (WB) đã khẳng định tiếp tục duy trì nguồn vốn vay ưu đãi (IDA) của mình cho Việt Nam trong ba năm tới, bình quân mỗi năm 1 tỷ USD để tài trợ cho các chương trình và dự án của Chính phủ cũng như tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thương mại (IBRD) của tổ chức này. Đông thời, lãnh đạo WB cũng đã đồng ý thu xếp một khoản vay chương trình trị giá 1 tỷ USD nhằm hỗ trợ ngân sách trực tiếp giúp Chính phủ khắc phục khủng hoảng và chống suy giảm kinh tế, trong đó 500 triệu USD sẽ được giải ngân vào cuối năm 2009.
Thực tế, những biện pháp điều hành của NHNN đã phát huy tác dụng tích cực khi từ tháng 7 đến nay, thanh khoản ngoại tệ được cải thiện một cách đáng kể, dư nợ cho vay ngoại tệ đã tăng từ mức – 2,5% những tháng đầu năm lên mức +6,5%.