Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không xử lý việc "đi đêm" chọn sách giáo khoa sẽ lại có những vụ Việt Á trong ngành giáo dục

Thịnh An - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Ý kiến của giáo viên và nhà trường trong việc chọn sách giáo khoa không được tôn trọng. Nhiều tổ chuyên môn, nhiều trường còn phải làm lại biên bản chọn sách... Nếu không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng "đi đêm" này thì sẽ lại có những vụ như Việt Á trong ngành giáo dục.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Thành phố Đà Nẵng)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Thành phố Đà Nẵng)

Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Thành phố Đà Nẵng) tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV diễn ra sáng 1/6.

Thiếu minh bạch trong chọn sách làm sai lệch chủ trương xã hội hoá

Chia sẻ những vướng mắc về nhân sự và tài chính mà Bộ và ngành giáo dục nói chung khó một mình giải quyết bởi đổi mới giáo dục mà người và tiền đều không chủ động được thì khó có thể làm tốt, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng: Nếu Bộ GD&ĐT kiểm tra, thanh tra sâu sát, phát hiện khó khăn, vướng mắc, sai phạm và kịp thời trao đổi với lãnh đạo địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có biện pháp tháo gỡ, xử lý thì những khó khăn vướng mắc sai phạm ấy không phải không có cách giải quyết.

Chỉ rõ những hạn chế bắt nguồn từ chính điều hành của Bộ GD&ĐT, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ, những sai phạm ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp trực thuộc Bộ phải xử lý hình sự, có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo không đúng và thiếu kiểm tra, thanh tra sâu sát.

Về những sai sót trong một số cuốn sách giáo khoa và khả năng thiếu sách giáo khoa trong năm học sắp tới, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng thái độ của Bộ và các Nhà xuất bản trong việc tiếp thu ý kiến phê bình mới là điều khiến cử tri lo lắng.

Quang cảnh phiên thảo luận
Quang cảnh phiên thảo luận

"Dư luận không đồng tình hiện nay hầu hết các ý kiến phê bình góp ý không được các nhà xuất bản và Bộ trả lời. Một số trường hợp được trả lời thì không đúng thực tế", đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu. Cùng với nhận định trên, đại biểu đã đưa ra những ví dụ cụ thể để dẫn chứng.

Bên cạnh đó là tình trạng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, của nhà trường và phụ huynh học sinh trong việc chọn sách giáo khoa mà báo chí thường phản ánh. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chỉ rõ, tuy có đề ra quy trình chọn sách từ cấp cơ sở trở lên nhưng trao quyền bỏ phiếu quyết định chọn sách của mỗi môn học cho một hội đồng 15 người mà không hề có quy định là khi một cuốn sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục lựa chọn với tỷ lệ như thế nào.

Nhiều giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phản ánh trong việc chọn sách giáo khoa, ý kiến của giáo viên và nhà trường không được tôn trọng, thậm chí nhiều tổ chuyên môn, nhiều trường còn phải làm lại biên bản chọn sách cho phù hợp.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, nếu không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng chạy chọt, "đi đêm" trong việc này thì sẽ lại có những vụ như Việt Á hay các vụ án hình sự về đấu thầu, trang thiết bị trong chính ngành giáo dục.

Điều đáng lo ngại nhất là việc lựa chọn sách thiếu minh bạch, khách quan, chẳng những không khuyến khích được sự thi đua giữa các tổ chức, cá nhân biên soạn xuất bản, phát hành sách mà còn có khả năng khuyến khích cạnh tranh không lành mạnh, dần dần làm sai lệch chủ trương xã hội hóa.

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm; đồng thời, yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo khẩn trương rà soát, sửa đổi ngay quy định bất hợp lý của Thông tư 252. Quốc hội và Chính phủ xem xét việc sửa đổi Luật Giáo dục để tiếp tục thực hiện chủ trương đa dạng hóa tài liệu học tập.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn tỉnh Phú Yên)
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn tỉnh Phú Yên)

Đua nhau kiểm định để tăng học phí

Cùng quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn tỉnh Phú Yên) tranh luận với quan điểm tự chủ đại học nhưng các trường đại học đang bị bó buộc bởi các quy định nên không tự chủ được. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho biết, bên cạnh việc bó buộc thì có những quy định “đường mòn, lối mở” làm cho các trường đại học vận dụng, nhiều khi rất thoáng trong chính sách.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho hay, hiện nay, học phí đại học đang tăng lên rất cao. Theo Nghị định 81, các trường sẽ được tự quyết học phí nếu kiểm định chương trình đào tạo. Từ đó, tạo nên làn sóng đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí. Trên thực tế, có nhiều trường đã tăng lên rất cao, có những trường không mở ngành học bình thường nhưng lại mở ngành chất lượng cao.

“Nếu là dự án BOT sẽ là đường cũ để dân đi, nếu người nào có tiền thì đi đường mới với sự đầu tư mới”. Tuy nhiên, nhiều trường có những ngành học tăng học phí từ khoảng 20, 30 triệu lên 60 triệu bởi chỉ có “đường BOT”; còn chất lượng cao có điểm đầu vào thấp hơn chất lượng bình thường, chỉ tăng thêm một số môn học, sau khi kiểm định xong thì tăng học phí” - đại biểu nêu.