Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khu Công nghệ cao Hoà Lạc: Khó nhất vẫn là khâu giải phóng mặt bằng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau 11 năm thành lập, Khu Công nghệ cao Hoà Lạc đã và đang khẳng định được mô hình hoạt động là một thành phố khoa học, trở thành khu công nghệ cao điển hình của cả nước.

KTĐT - Sau 11 năm thành lập, Khu Công nghệ cao Hoà Lạc đã và đang khẳng định được mô hình hoạt động là một thành phố khoa học, trở thành khu công nghệ cao điển hình của cả nước. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của khu công nghệ cao Hòa Lạc là mới chỉ giải phóng được khoảng  50% mặt bằng đã ảnh hưởng không nhỏ tới lĩnh vực thu hút đầu tư.

“Công tác GPMB gần như dậm chân tại chỗ”

Đó là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, trưởng ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và phương hướng nhiệm vụ năm 2010 vừa diễn ra hôm qua (06/01).

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng cho biết, trong thời gian này, hội đồng giải phóng mặt bằng mới chỉ thực hiện được việc cưỡng chế để thi công tuyến đường E trong khu công nghệ. Còn trong dự án xây dựng khu tái định cư 36,5ha cũng chỉ hoàn tất khâu chọn xong nhà thầu xây lắp. Do vậy mà nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư trong năm vừa qua hầu như chưa được giải ngân.

Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5/2008, Khu công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc có diện tích 1.586 ha, thuộc địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai. Trong đó, tổng diện tích đã giải phóng mặt bằng là hơn 830 ha. Hiện có 11 dự án đã đi vào sản xuất, 6 dự án khác đang triển khai xây dựng trên tổng số 37 dự án đã được cấp phép đầu tư.

Trên cơ sở Quy hoạch chung điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2009 Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã triển khai đồng loạt quy hoạch chi tiết các khu chức năng. Đến nay, Ban quản lý đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 5 khu chức năng bao gồm: Khu phần mềm, khu Giáo dục đào tạo, khu trung tâm, khu dịch vụ tổng hợp và khu công nghiệp CNC 1.

Ngoài ra, các khu còn lại đang được các nhà đầu tư triển khai bằng nguồn vốn của doanh nghiệp như: Khu nhà ở kết hợp văn phòng, khu tiện ích, khu vui chơi giải trí, khu chung cư. Riêng khu nghiên cứu triển khai do việc lựa chọn tư vấn nước ngoài gặp một số khó khăn nên tiến độ triển khai chậm.

Do gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, nên hạ tầng kỹ thuật chung Khu công nghệ còn sơ sài, chưa đồng bộ, bất cập về hạ tầng giao thông kết nối, nguồn vốn hạn chế, các chính sách ưu đãi cho khu công nghệ cao Hoà Lạc chưa đủ mạnh.

Có thể nói công tác GPMB trong năm 2009 gần như rơi vào thế bế tắc. Theo ông Lạng nguyên nhân là năm 2009 Chính phủ ban hành Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009  của Chính phủ Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư.

Theo đó, sự thay đổi trong chính sách đền bù GPMB của Nhà nước trong thời gian đầu áp dụng thường gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là đối với những phương án đền bù đã được lập và phê duyệt trước đó, gần như không thể triển khai được mà phải lập lại. Đối với những phướng án đã trả tiền trước đó thường người dân có những phản ứng không tích cực, xảy ra tình trạng tái lấn chiếm để đòi tiền đền bù thêm, đồng thời gây nên những khó khăn trong khâu kiểm đếm tiếp theo.

Bên cạnh đó, phía các cơ quan tổ chức đền bù GPMB cho Khu CNC Hòa Lạc của địa phương sau khi hợp nhất Hà Tây và Hà Nội còn nhiều bất cập, chưa tập trung cao độ, chưa quyết liệt, việc thực hiện phân cấp thẩm định phê duyệt dự toán kinh phí bồi thường của cấp huyện trong thời gian đầu còn rất lúng túng.

Ngoài ra, cũng phải kể đến do tình hình suy giảm kinh tế, nền kinh tế của Việt Nam các nước chưa thực sự hồi phục, cùng với sự chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, nên công tác thu hút đầu tư trong năm 2009 chưa có nét chấm phá mới, định hướng thu hút các tập đoàn lớn có công nghệ cao chưa thực hiện được.

Nhà đầu tư chỉ mới thăm dò

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng cho biết, do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, chưa có mặt bằng sạch cùng với tình hình suy giảm kinh tế thế giới và trong nước, nên các hoạt động đầu tư trong Khu CNC Hoà Lạc năm 2009 chưa thực sự sôi động, nhiều nhà đầu tư tiềm năng đến Khu CNC Hoà Lạc mới chỉ dừng ở mức thăm dò.

Cho đến nay, hầu hết các khu chức năng chính đều có nhà đầu tư. Trong 10 khu chức năng đã có 5 khu có tỷ lệ đăng ký đầu tư gần lấp đầy 100%.

Trong năm 2009 Ban Quản lý đã cấp phép cho 5 dự án tổng vốn đầu tư là 6.298 tỷ đồng với diện tích đất là 58,6 ha với các dự án: Dự án bể thử mô hình tàu thủy của tập đoàn Vinashin, dự án Trung tâm Internet Việt Nam, dự án Xây dựng trường Đại học FPT, dự án Trung tâm bưu chính viễn thông Hòa Lạc, dự án tòa nhà đặt máy của Viettel..... 

Đến hết tháng 12/2009, đã có 37 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký là 9.481 tỷ đồng và 515.67 triệu USD (tương đương 1.058 triệu USD) diện tích đất là; 169,7 ha

Theo kế hoạch đề ra, đến hết năm 2010 Ban quản lý phải giải phóng xong hoàn toàn mặt bằng để tiếp tục tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên tính đến nay vẫn còn khoảng 50% diện tích đất, tương đương với hơn 600 ha, chưa được giải phóng. Do vậy dự kiến đến năm 2012, khu công nghệ cao Hòa Lạc mới có thể kết thúc khâu giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên để thúc đẩy nhanh tiến trình này, trong năm 2010 này, UBND thành phố Hà Nội sẽ có nhiều quyết sách cũng như thường xuyên họp bàn với các đơn vị liên quan để đưa ra các biện pháp tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như công tác tái định cư nhà ở cho các hộ dân tại đây.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho rằng, trong năm 2010 Ban quản lý và thành phố cần tập trung làm tốt công tác tham mưu với Chính phủ để tranh thủ nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA của Nhật Bản để đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Theo đó, phải đẩy mạnh từ công tác giải phóng mặt bằng, góp phần xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật chung của khu công nghệ,  kết nối hạ tầng giao thông thuận tiện thu hút các nhà đầu tư, vào khu công nghệ được coi là điểm nhấn kinh tế của thủ đô Hà Nội.

Còn theo đại diện một số doanh nghiệp cho biết, nếu công tác GPMB không được đẩy mạnh trong thời gian tới thì vấn đề hạ tầng kỹ thuật chung của khu công nghệ sẽ không thể đồng bộ, kết nối hạ tầng giao thông cũng sẽ gặp rất nhiều bất cập.

Điều này không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp hiện đang đóng trên địa bàn mà chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình kêu gọi đầu tư của khu công nghệ cao Hòa Lạc trong thời gian tới.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, để hoàn thành kế hoạch năm 2010 và tiền đề cho những năm sau, UBND Thành phố Hà Nội cần phải chỉ đạo quyết liệt công tác GPMB cho Khu CNC Hoà Lạc, cần thiết phải có sự thay đổi về tổ chức và điều hành, cải thiện tình trạng trì trệ trong GPMB hiện nay.

Đồng thời, để đảm bảo tiến độ GPMB cho Khu CNC Hoà lạc, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban quản lý Khu CNC Hoà Lạc cũng như Thành phố Hà Nội cần phải thống nhất kế hoạch hành động trong GPMB của Khu CNC Hoà Lạc.

Mục đích là sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế thu hút chính sách đặc thù thu hút đầu tư trong Khu CNC Hoà Lạc. Nhanh chóng xây dựng giá cho thuê đất và sử dụng hạ tầng đảm bảo chính sách ưu đãi và thu hút của Nhà nước ở mức cao nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Láng - Hoà Lạc đảm bảo giao thông thuận tiện cho Khu CNC Hoà Lạc.

Có như vậy thì mới thu hút được các nhà đầu tư, chấm dứt tình trạng nhà đầu tư chỉ đến để thăm dò như hiện nay, ông Lạng khẳng định.