Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khu công nghiệp Hà Nội: Nhìn rõ thực trạng để có quy hoạch xứng tầm

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các khu công nghiệp (KCN) của Hà Nội cần được định hướng phát triển, quy hoạch trong mối quan hệ với vùng, có quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng và tập trung những ngành nghề tạo ra giá trị gia tăng cao.

Đây là ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại Hội thảo “Phương án quy hoạch và giải pháp phát triển các KCN Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050” do Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội tổ chức ngày 29/12.

Chậm hoàn thành theo quy hoạch

Về hiện trạng các KCN trên địa bàn TP Hà Nội, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội cho biết, đến năm 2020, TP Hà Nội được định hướng quy hoạch và phát triển 34 KCN với tổng diện tích hơn 7.400ha.

Tuy nhiên, đến nay mới có 10 KCN được thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.300ha. Trong đó, có 9 KCN đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, có tỷ lệ lấp đầy gần 100% và 1 KCN đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đang thu hút đầu tư. Ngoài ra, có 3 KCN đã thành lập và đang trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật; 3 KCN đang triển khai thủ tục đầu tư.

Toàn cảnh buổi hội thảo.
Toàn cảnh buổi hội thảo.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm, qua rà soát có 4 KCN phù hợp quy hoạch tiếp tục đề nghị bổ sung vào phương án phát triển hệ thông KCN giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với diện tích hơn 1.600ha. Đồng thời, có 14 KCN với diện tích gần 8.500ha do không đủ điều kiện để xem xét phát triển thành KCN (quy mô, diện tích đất, vị trí…) và không phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, không có trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch chung xây dựng huyện đã đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch và phương án phát triển hệ thống KCN trên địa bàn TP giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.

Về tình hình phát triển nhà ở công nhân và các thiết chế văn hóa tại các KCN trên địa bàn TP, ông Nguyễn Hoài Nam cho hay, hiện trong tổng số 10 KCN đang hoạt động có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN đã và đang tiến hành xây dựng (một phần đã đưa vào khai thác sử dụng) với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở; đã hoàn thành được 8.388 chỗ ở, và đã bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ, bao gồm: Dự án nhà ở công nhân thí điểm tại Kim Chung, huyện Đông Anh; dự án nhà ở công nhân tại KCN Phú Nghĩa; dự án nhà ở công nhân của Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam và dự án nhà ở công nhân Công ty TNHH Young Fast (tại KCN Thạch Thất - Quốc Oai) và 1 dự án nhà ở công nhân tại KCN Quang Minh đang được triển khai.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng các KCN đang hoạt động, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đề xuất phương án phát triển hệ thống KCN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 24 khu, với tổng diện tích 5.831,8ha.

Các KCN gắn kết với hệ thống, mạng lưới giao thông theo quy hoạch Thủ đô. Vị trí, định hướng quy hoạch, xây dựng các KCN cơ bản được bố trí tiếp cận theo các tuyến đường vành đai (2,3 và vành đai liên vùng 4, 5), các trục đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm (1,2, 3,5, 6), Đại lộ Thăng Long, các trục đường phát triển kinh tế (Bắc - Nam, Cienco 5, Đỗ Xá - Quan Sơn) và các sân bay, cảng sông Hồng.

Đối với việc phát triển nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa - xã hội phục vụ công nhân lao động, Ban đề nghị các sở, ngành, UBND các quận, huyện có KCN nghiên cứu, xem xét bố trí vị trí, quy mô nhà ở công nhân để gắn kết với phát triển hệ thống các KCN trên địa bàn TP theo kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 đã được phê duyệt.

Đánh giá thực tiễn hơn để lập quy hoạch

Góp ý về định hướng, mô hình phát triển KCN Thủ đô Hà Nội được nêu ra trong báo cáo của Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội, PGS.TS Hoàng Sỹ Động - nguyên Trưởng Ban các ngành sản xuất Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho là phù hợp. Tuy nhiên, định hướng này cần dựa trên bài học và kinh nghiệm phát triển KCN của các tỉnh thành trong nước và các nước trong khu vực.

Hà Nội bàn thảo phương án quy hoạch và giải pháp phát triển các khu công nghiệp Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.
Hà Nội bàn thảo phương án quy hoạch và giải pháp phát triển các khu công nghiệp Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo PGS.TS Hoàng Sỹ Động, để đáp ứng được yêu cầu lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh nhiều thách thức và cơ hội đan xen, Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội cần đánh giá đúng về quy mô, sự tập trung của các doanh nghiệp cũng tình hình đầu tư của các KCN hiện nay.

Đánh giá về thực trạng, vị chuyên gia cho rằng, các KCN của Hà Nội hiện nay có quy mô nhỏ, manh mún, chưa đồng bộ về hạ tầng, quản trị, công nghệ, DN thì đa ngành dẫn đến chưa chuyên nghiệp. Giá trị kinh tế - xã hội từ các KCN mang lại cho TP cũng chưa cao, trong các KCN mới chủ yếu là các DN gia công, lắp ráp, DN Việt tham gia còn thấp nên giá trị gia tăng còn rất ít, đây không chỉ là nhược điểm của các KCN của Hà Nội mà là thực trạng chung của cả nước.

“Các nội dung đánh giá hoạt động của KCN Thủ đô Hà Nội như mục tiêu thành lập, diện tích bình quân, số lượng, chất lượng lao động, doanh nghiệp tham gia và trình độ quản trị, công nghệ sản xuất, kinh doanh trong KCN của Ban quản lý KCN và khu chế xuất Hà Nội còn mờ nhạt, thiếu tính thực tiễn, cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng được yêu cầu quy hoạch Thủ đô trong bối cảnh phức tạp hiện nay và tương lai” - PGS.TS Hoàng Sỹ Động khuyến nghị.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Kim Chung - Thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, phương án phân bố và lựa chọn KCN trong giai đoạn tới phải dựa trên phân bổ địa bàn của Thủ đô Hà Nội. Cần xác định rõ đâu là khu hành chính, khu công nghiệp, khu dịch vụ thương mại…, cần xóa bỏ ngay tư duy bao quanh Hà Nội là các KCN. Bên cạnh đó, việc phân bố KCN theo quy mô doanh nghiệp, theo thời gian, xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Đặc biệt, các KCN của Hà Nội cần xem xét giải quyết theo bài toán mở, các KCN phải kết nối thuận lợi với các tỉnh có lợi thế về đường sắt, đường cao tốc, cảng biển, cảng sân bay trong  Vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng” – PGS. TS Trần Kim Chung nhấn mạnh.

 

KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam gợi ý định hướng phát triển và phương án quy hoạch KCN Hà Nội cần tuân thủ Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã xác định 6 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó có phát triển kinh tế đô thị, chú trọng dịch vụ - công nghiệp tiên tiến; nhân rộng các mô hình khu kinh tế  tập trung, KCN sinh thái, KCN đô thị - dịch vụ.

Còn với ông Nguyễn Đức Quang – nguyên Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chia sẻ quan điểm, khi quy hoạch cần xem xét tổng thể bức tranh tổng thể phát triển công nghiệp của Hà Nội nói chung chứ không riêng gì các KCN. Muốn phát triển bền vững thì cần quan tâm phát triển công nghiệp, có phát triển lĩnh vực này mới kéo theo các lĩnh khác như thương mại, đô thị phát triển song hành…

Một vấn đề nữa mà ông Nguyễn Đức Quang lưu ý, các huyện chuyển lên quận có định hướng phát triển KCN hay không, cần xác định rõ trong quy hoạch Thủ đô tới đây. Nếu không định hướng rõ, khi các nhà đầu tư tham gia vào các KCN tại các huyện như Gia Lâm, Thường Tín… sắp tới đây thành quận sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh góp ý của các chuyên gia, đại diện các sở ngành TP cũng đưa ra các khuyến nghị về phương án quy hoạch và giải pháp phát triển các KCN, góp phần hoàn thiện báo cáo của Ban quản lý các KCN và khu chế xuất Hà Nội.

Trong đó, đại diện Cục Thống kê TP cho rằng, thực trạng thu hút dự án của các KCN, các giá trị mang lại cho nền kinh tế -xã hội như kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách,  doanh thu, giá trị gia tăng các dự án đạt được là những thông tin cần làm rõ…

Viện dẫn số liệu trong 10 KCN đang hoạt động, số dự án đầu tư nước ngoài là hơn 300 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 6,1 tỷ USD (chiếm 89%). Số dự án trong nước gần tương đương, xấp xỉ 400 dự án nhưng tổng số vốn có sự chênh lệch lớn, chỉ đạt 18.000 tỷ đồng (chiếm 11%).

Trên cơ sở đó, đại diện Cục Thống kê TP đề xuất định hướng phát triển và quy hoạch KCN Hà Nội cần hướng đến thu hút dự án tạo ra giá trị cao, đóng góp lớn cho tổng sản phẩm trên địa bàn như: điện, điện tử, dược phẩm, cơ khí chế tạo, công nghệ thông tin…

Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội TS Nguyễn Ngọc Kỳ nhấn mạnh, hội thảo là hoạt động đầu tiên được tổ chức nhằm bàn thảo và tập hợp những vấn đề mang tính gợi mở về phương án quy hoạch và giải pháp phát triển KCN Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Ban quản lý các KCN và khu chế xuất thành phố tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện nội dung báo cáo phục vụ công tác lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Những vấn đề cần có sự trao đổi, bàn bạn kỹ lưỡng sẽ tiếp tục được làm rõ trong các buổi làm việc tới đây.