Di sản không chỉ bị đe dọa bởi dự án khu đô thị Kim Chung, mà còn đang bị lờ đi trong đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết của chủ đầu tư. Sáng 11/7, Sở VH&TT Hà Nội đã tổ chức tọa đàm, tập hợp tiếng nói của các nhà khoa học tìm biện pháp cứu di sản.
Khảo cổ xong lại trồng chuốiKhu di chỉ khảo cổ học vườn chuối được phát hiện từ năm 1969. Song mãi đến năm 2007, những cuộc khảo cổ đầu tiên mới được thực hiện từ công trình của khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH&NV Hà Nội. GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, trong các hố khai quật, đã phát hiện được dấu tích của 28 mộ táng thuộc văn hóa Đông Sơn. Ngoài ra, nhiều di vật thể hiện quá trình hình thành và cư trú của con người từ giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn.
Theo khẳng định của GS Lâm Thị Mỹ Dung và các nhà khoa học thì qua 800m2 khai quật có thể khẳng định diện tích 19.000m2 khu vực vườn chuối là di sản phức hợp có niên đại từ 1.000 đến hơn 3.000 năm. Chia cắt thời kỳ, GS Tống Trung Tín còn khẳng định, các hiện vật tương đương với thời đại tiền Hùng Vương và Hùng Vương. “Đây là di tích chứng minh diễn trình hình thành Nhà nước thời đại đồng thau rất sớm ở Hà Nội và ở Việt Nam” – GS Tín cho biết. Ở Phú Thọ, mảnh đất thờ Quốc Tổ vua Hùng cũng có hơn 90% khu di chỉ khảo cổ học bị xóa sổ. Nghĩa là, việc bảo tồn khu di chỉ học vườn chuối sẽ hỗ trợ rất lớn cho tiến trình hình thành và phát triển đời sống dân cư Việt trong chiều dài 4.000 năm lịch sử.
Hiện nay, toàn bộ vùng đất này đang bạt ngàn chuối như kiểu bỏ hoang. Thực tế, từ trước năm 2007, khu đất này đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) bàn giao cho Tổng Công ty CP TM xây dựng Việt Nam để xây dựng khu đô thị mới. Do khó khăn về nguồn vốn cùng với việc chuyển giao qua các thời kỳ, nên dự án chưa thể hoàn thành. Hiện nay, các nhà khoa học đã gửi thư “kêu cứu” đến các đơn vị cấp cao nhất của TP Hà Nội nhằm bảo tồn khu di chỉ khảo cổ học này. Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, trong đề xuất điều chỉnh quy hoạch, Tổng Công ty CP TM xây dựng Việt Nam đã lờ đi giá trị di sản dưới lòng đất.Đề xuất thăm dò tổng thểTại buổi tọa đàm sáng 11/7, PGS.TS Nguyễn Văn Huy – người viết những bức thư kêu cứu cho di sản, đề nghị các nhà khoa học cùng các cơ quan quản lý bàn thảo tìm ra biện pháp bảo tồn. Theo PGS Nguyễn Văn Huy, việc đầu tiên là phải đưa khu vực này vào vòng bảo vệ của pháp luật, nghĩa là cần lập hồ sơ công nhận di tích cho khu di chỉ khảo cổ học vườn chuối. Ngoài ra, GS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, việc khai quật của trường Đại học KHXH&NV cùng một số đoàn của Viện Khảo cổ, Bảo tàng Hà Nội… rất hạn chế. Chính vì vậy, cần có những cuộc khai quật lớn để khoanh vùng bảo vệ (vùng lõi, vùng đệm…) của di sản. Theo quan điểm của các nhà khoa học, bắt buộc phải có cơ chế bảo vệ vùng lõi, để di sản không biến mất. Ngoài ra, phương án bảo tồn tại chỗ cũng được đặt ra, để nơi đây trở thành bảo tàng thực địa về lịch sử, đời sống sinh hoạt của người Việt.Sau nhiều năm đề xuất, công tác bảo tồn di sản gặp rất nhiều khó khăn, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở VH&TT Hà Nội đã mở cuộc tọa đàm đánh giá lại giá trị di sản, từ đó tìm ra hướng bảo tồn. Không chỉ các nhà khoa học, mà chính quyền địa phương xã Kim Chung, đại diện Sở QHKT đều thống nhất phải có những biện pháp giữ gìn di sản. Ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp thu ý kiến của buổi tọa đàm, điều chỉnh quy hoạch chi tiết của khu vực này, yêu cầu chủ đầu tư dành một phần diện tích để bảo tồn. Ngoài ra, Sở VH&TT sẽ hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP, Bộ VHTT&DL công nhận xếp hạng di tích; đồng thời xin ý kiến lãnh đạo TP để có thể thăm dò khảo sát tổng thể 19.000m2 di tích, trên cơ sở đánh giá giá trị để đề xuất kế hoạch tiếp theo.