Đến dự buổi lễ có Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cùng đại diện các sở, ngành, quận, huyện.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý trao Bằng di tích lịch sử cấp TP cho lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì và xã Ngọc Hồi. |
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn khẳng định: Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi gắn bó mật thiết với người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn quật cường cùng Nhân dân Ngọc Hồi dũng cảm, quên mình đánh đuổi quân Thanh xâm lược vào mùa xuân 1789, giải phóng đất nước, dấu ấn lịch sử vẫn còn đó. Lịch sử ghi lại, vào những ngày Tết cận kề năm 1789, tướng giặc Tôn Sĩ Nghị cùng quân lính mải mê chuẩn bị ăn Tết thì cũng là lúc người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ trịnh trọng làm lễ đăng quang, đặt niên hiệu Quang Trung, rồi thân chinh thống lĩnh đại quân lập tức xuất quân tiến ra Bắc Hà.
Sau khi nắm tình hình, biết được thời cơ đã đến, vua Quang Trung quyết mở cuộc tập kích chiến lược với sự tham gia của toàn bộ quân và đánh trong một khoảng thời gian mà quân địch buông lỏng nhất. Vua Quang Trung dự tính và nói với tướng lĩnh “Lần này ta ra thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chằng qua mười ngày, có thể đuổi được người Thanh”.
Về phía quân giặc, mặc dù lo ăn tết, tiệc tùng, nhưng Tôn Sĩ Nghị vẫn giữ ý đồ tấn công sau khi ăn Tết nên đã bố trí quân giữ một số trấn ở Bắc Hà vừa để phòng ngự vừa chuẩn bị tiến công. Do đó, Tôn Sĩ Nghị đã chú ý thiết lập đồn lũy, chia quân đóng giữ. Đồn Ngọc Hồi là cứ điểm quan trọng, then chốt nhất, có vai trò quyết định cho toàn bộ cuộc chiến này. Nhận rõ tầm quan trọng của đồn Ngọc Hồi, vua Quang Trung quyết định chọn vị trí này để tấn công nhằm tiêu diệt phần lớn sinh lực địch để giành thắng lợi quyết định cuối cùng.
Chỉ trong buổi rạng sáng mùng 5 Tết, toàn bộ quân địch ở đồn Ngọc Hồi bị tiêu diệt, mở đường giải phóng kinh thành Thăng Long. Chiến thắng Ngọc Hồi mang lại ý nghĩa kết thúc cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và chiến thắng này đã đi vào lịch sử dân tộc như những chiến công chói lọi nhất, biểu trưng cho trí tuệ, cho sức mạnh phi thường của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Ngọc Hồi còn in đậm sự đóng góp tài vật của Nhân dân Ngọc Hồi, từ lương thực, binh khí cho đến thanh niên, cụ già hăng hái gia nhập nghĩa quân đánh giặc.
"Từ đó trở đi hàng năm, cứ vào mùng 4 Tết Âm lịch, người dân Ngọc Hồi lại nô nức tổ chức lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi và đây được coi là lễ hội của huyện Thanh Trì. Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi còn liên quan chặt chẽ với lễ hội kỷ niệm chiến thắng Đống Đa được tổ chức vào ngày mùng 5 Tết Âm lịch. Do vậy, Nhân dân thường gọi là lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là vậy" - Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn nhấn mạnh.
Tượng đài chiến thắng Ngọc Hồi tọa lạc gần đường quốc lộ 1A và chùa Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì. Tượng đài được xây dựng năm 1989 nhân dịp kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 1989). Và từ đó đến nay, khu tượng đài này mỗi dịp xuân về là nơi nhắc lại truyền thống hào hùng chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, đem lại sự vững tin, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ con cháu mai sau.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn cho biết thêm: Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi được tổ chức hàng năm với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng đã thu hút hàng vạn người trong và ngoài huyện tham gia. Tượng đài kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi là công trình mang nhiều ý nghĩa, đó không chỉ chuyển tải những bài học lịch sử bất tận, thể hiện trí tuệ và tinh thần dân tộc cao độ trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước mà còn mang ý nghĩa thời sự sâu sắc, nhắc nhở Nhân dân Việt Nam phải luôn luôn cảnh giác cao độ với kẻ thù, nhất là trong tình hình hiện nay.