Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khu đô thị mới Thịnh Liệt được quy hoạch theo mô hình mạng ô bàn cờ​

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt tổng thể quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thịnh Liệt, tỷ lệ 1/500 tại các phường Thịnh Liệt, Tương Mai và Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai.

Khu vực nghiên cứu lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết bao gồm Khu đô thị mới Thịnh Liệt, Khu di dân Đền Lừ III, thuộc địa giới hành chính các phường Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.

Tổng diện tích đất trong ranh giới nghiên cứu điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khoảng 40,78ha (trong đó 35,14 ha đất của Khu đô thị mới Thịnh Liệt). Quy mô dân số trong phạm vi ranh giới nghiên cứu khoảng 14.200 người, trong đó dân số trong phạm vi lập dự án là 11.620 người.

Khu đô thị mới Thịnh Liệt được quy hoạch gồm các chức năng được phân bổ như sau: Đất hành lang bảo vệ tuyến điện cao thế có diện tích khoảng 3.242m2; Đất đường giao thông khu vực, phân khu vực có diện tích khoảng 51.260m2; Đất đơn vị ở 296.919m2, trong đó: đất công trình công cộng đơn vị ở 11.658m2, đất trường học 38.352m2, đất ở 141.137m2, đất cây xanh, thể dục thể thao31.872m2, đất đường nhánh - bãi đỗ xe tập trung 73.900m2.

 
Phối cảnh khu đô thị mới Thịnh Liệt.
Phối cảnh khu đô thị mới Thịnh Liệt.
Theo quy hoạch, Khu đô thị mới Thịnh Liệt được hình thành và phát triển theo mô hình mạng ô bàn cờ, được chia làm từng mảng đặc, rỗng riêng biệt nhằm tạo nên sự phong phú, đa dạng về không gian đô thị.

Những mảng đặc trưng được hình thành bởi các khu vực nhà ở dạng nhà vườn liền kề với bố cục mạch lạc, ngăn nắp hay các cụm công trình công cộng, công trình cao tầng.

Đối lập lại là những mảng rỗng được hình thành từ những khu nhà biệt thự, nhà vườn được tổ chức theo từng nhóm có kết nối với những không gian xanh. Điểm nhấn về kiến trúc của dự án là cụm công trình cao tầng nằm trên trục chính nội bộ Đông - Tây và quần thể các công trình công cộng, trường học, không gian xanh trên trục không gian kết nối giữa không gian xanh của công viên Yên Sở và công viên Hồ Đền Lừ.

Trục giao thông phía Tây khu đô thị được xác định là trục giao thông đối ngoại và là trục phát triển không gian kiến trúc cảnh quan gắn với phát triển thương mại dịch vụ.

Trục chính nội bộ trong khu đô thị gồm 2 trục: trục kết nối các công trình cao tầng theo hướng Đông - Tây và trục cây xanh, cảnh quan ở giữa kết nối các khu công cộng, trường học, không gian mở, không gian đi bộ với không gian xanh của công viên hồ Đền Lừ và công viên Yên Sở. .

Khu vực trọng tâm, điểm nhấn quan trọng của khu đô thị là quần thể các cụm công trình cao tầng trên trục chính nội bộ theo hướng Đông - Tây, có tầng cao tối đa 27 tầng với hình khối đơn giản, hiện đại bao gồm các chức năng văn phòng, dịch vụ thương mại, nhà ở,...

Khu vực quần thể cặc cụm công trình công cộng, trường học; bãi đỗ xe và nhà biệt thự có khộng gian kiến trúc cảnh quan được nghiên cứu với không gian kiến trúc hiện đại, đồng bộ, mật độ xây dựng thấp, hòa vào không gian thấp tầng, hệ thống cây xanh cảnh quan tạo sự đồng bộ và hài hòa với khung cảnh xung quanh.

Khu vực không gian mở được tạo nên từ sự đan xen của các nhóm nhà biệt thự với dải cây xanh trên trục cảnh quan và các không gian quảng trường, không gian mở tại lõi trung tâm của các nhóm nhà cao tầng, nhà liên kế tạo nên một không gian đô thị sinh thái, cao cấp, tiện nghi.

Tuyến các cụm công trình phía Đông khu đất năm trong phạm vi nghiên cứu TOD của tuyến đường sắt đô thị số 4 được xác định là tuyến có chức năng thương mại, dịch vụ và'nhà ở kết hợp thương mại, có hình thức kiến trúc hiện đại. Có thể nghiên cứu việc kết nối các công trình ngầm để tạo hiệu quả sử dụng đất.

Các khu vực có tầm nhìn đẹp là các giao điểm của các trục đường giao thông chính gồm 7 khu vực. Ngoài việc các công trình trên khu đất này đảm bảo hình thức kiến trúc hài hòa với khu vực xung quanh, còn tùy theo tính chất của khu đất để khai thác các công trình nhằm nâng cao hiệu quả của tầm nhìn đẹp.