Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình bị “xẻ thịt” như thế nào?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2011, với chủ trương xã hội hóa, Bộ VHTT&DL đã đồng ý để Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Khu LHTT Mỹ Đình) thí điểm thực hiện liên danh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác cơ sở vật chất, quỹ đất để tăng nguồn thu.

Lợi dụng việc này, Ban Quản lý (BQL) Khu LHTT Mỹ Đình đã bằng mọi cách cho thuê mặt bằng làm dịch vụ, kinh doanh phi thể thao. Điều đó không chỉ làm phá vỡ quy hoạch của một khu LHTT mang tầm cỡ quốc gia mà còn tạo điều kiện cho một số DN "đầu độc" môi trường, cảnh quan đô thị.

Tràn lan dịch vụ phi thể thao

Qua tìm hiểu được biết, từ khi Khu LHTT Mỹ Đình chính thức trở thành đơn vị tự chủ tài chính thì BQL ở đây đã tìm mọi cách cho thuê mặt bằng làm dịch vụ, kinh doanh như mở quán cà phê, nhà hàng, quán ăn uống, massage, dịch vụ cưới hỏi... 

Hiện, Khu LHTT Mỹ Đình có hơn 30 đơn vị liên doanh, liên kết với các dự án khác nhau. Việc này khiến cho không gian LHTT được xếp vào loại hiện đại nhất cả nước đang trở nên lộn xộn, thiếu mỹ quan và không phù hợp với chức năng của LHTT.

Rất nhiều công trình, hạng mục được xây dựng công phu, tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng để phục vụ cho kỳ SEA Games 22 nay đã xuống cấp trầm trọng. 
Trạm trộn bê tông, nhà hàng, quán cà phê "mọc" tràn lan trong Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình.    Ảnh: Phạm Hùng
Trạm trộn bê tông, nhà hàng, quán cà phê "mọc" tràn lan trong Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Cách đây 11 năm, SVĐ Mỹ Đình được đánh giá là hoành tráng và hiện đại nhất Đông Nam Á, với số tiền đầu tư xây dựng lên tới hơn 50 triệu USD (tương đương hơn 1.000 tỷ đồng). 

Khu vực phía sau khán đài D, nơi sát khu dân cư giờ cũng trở thành sân golf và quán nhậu, cùng với đó là hàng loạt công ty, nhà xưởng cho thuê. 

Thậm chí, ngay sát SVĐ, tại những khu đất bỏ trống cũng đã trở thành nơi nuôi, nhốt gia cầm khiến không gian nơi đây càng trở nên nhếch nhác.

Ghi nhận của phóng viên tại phía cổng sau của SVĐ Mỹ Đình, nơi đối diện với Bệnh viện Thể thao Việt Nam hầu như không mở cửa. 

Bên cạnh đó là trụ sở của siêu thị nội thất được xây dựng cao tầng, hoành tráng ngay trong khu vực của Khu LHTT.

 Riêng Cung Thể thao dưới nước đối diện SVĐ, những khoảng đất tạo tiểu cảnh xung quanh cũng đã bị tận dụng để cho DN thuê làm nhà hàng mang tên Landscape, trung tâm vui chơi trẻ em, CLB patin Ben10, xưởng dịch vụ ô tô... 

Người dân quanh khu vực cho rằng, Khu LHTT Mỹ Đình không chỉ là hạng mục công trình phục vụ thi đấu thể thao mà còn là một điểm nhấn văn hóa của Thủ đô hiện đại đang trên con đường hội nhập, phát triển. 

Vì thế, không nên và không đáng có những hoạt động khai thác kinh doanh dịch vụ làm xấu đi hình ảnh, diện mạo văn hóa, tạo nên sự bừa bộn, nhếch nhác như hiện nay. 

"BQL Khu LHTT Mỹ Đình cần phải có sự nhất quán và có quy hoạch, lựa chọn trong liên kết kinh doanh khi đưa vào hoạt động các dịch vụ, chứ không thể liên kết một cách tùy tiện, buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng như hiện nay. 

Trong đó phải tính đến khả năng đáp ứng, mức độ phù hợp giữa dịch vụ liên kết với chức năng, nhiệm vụ của Khu LHTT, sử dụng công trình, mặt bằng và không gian trong khu vực đúng mục đích, đảm bảo mỹ quan của một công trình thể thao văn hóa mang tầm quốc gia" - một cán bộ UBND phường Phú Đô (xin được giấu tên) chia sẻ. 

Liên kết để “đầu độc” môi trường?

Một trong những đơn vị được thuê nhiều đất nhất trong Khu LHTT Mỹ Đình là Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Thương mại Việt Hàn (gọi tắt là Công ty Việt Hàn) với diện tích 6.000m2 để xây dựng trạm trộn bê tông đã bị cơ quan chức năng TP vạch trần nhiều sai phạm. 

Tuy nhiên, lãnh đạo Khu LHTT vì lợi nhuận vẫn sẵn sàng "ưu tiên" cho DN này tiếp tục hoạt động và "đầu độc" môi trường, cảnh quan đô thị.

Theo tài liệu mà phóng viên thu thập được, ngày 1/1/2014, ông Cấn Văn Nghĩa - Giám đốc Khu LHTT và ông Trần Văn Phố - Giám đốc Công ty Việt Hàn đã ký bản Hợp đồng thuê mặt bằng với nội dung: Trong thời gian chờ quyết định đầu tư của cơ quan chức năng có thẩm quyền, Khu LHTT Mỹ Đình đồng ý cho Công ty Việt Hàn được phép sử dụng mặt bằng với diện tích 6.000m2 tại khu đất quy hoạch để làm trạm trộn bê tông.

Tuy nhiên, việc biến khu thi đấu thể thao trong nhà để làm trạm trộn bê tông đã gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan khiến người dân vô cùng bức xúc.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Phùng Hưng - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, ngày 9/5/2014, UBND phường đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện các cơ quan chức năng và Công ty Việt Hàn. 

Tại cuộc họp này, đại diện Tổ dân phố Phú Đô đưa ra ý kiến: Việc Khu LHTT Mỹ Đình cho Công ty Việt Hàn thuê mặt bằng làm trạm trộn bê tông không nhận được sự đồng thuận từ phía người dân vì họ cho rằng đất của mình bị thu hồi cho dự án Khu LHTT Mỹ Đình không được sử dụng vào mục đích chính. 

Theo biên bản làm việc giữa UBND phường Phú Đô cùng các cơ quan chức năng với Công ty Việt Hàn ngày 9/5, đại diện Thanh tra Xây dựng quận Nam Từ Liêm cũng cho rằng: Trạm trộn bê tông của Công ty Việt Hàn gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan tại Khu LHTT Mỹ Đình. 

Về pháp lý, đề án Bảo vệ môi trường của trạm trộn bê tông này mới chỉ được cấp từ năm 2013 nhưng trên thực tế trạm đã hoạt động được 5 - 6 năm nay. 

Cũng theo biên bản trên, đại diện Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an TP Hà Nội đã chỉ ra những sai phạm trong quá trình hoạt động của trạm trộn bê tông này như: Giếng khoan để cấp nước sản xuất chưa có giấy phép; hợp đồng thu gom, quản lý chất thải chưa xuất trình được và việc thực hiện quan trắc môi trường hàng năm chưa được thực hiện...

Báo cáo về hồ sơ kinh doanh của trạm trộn bê tông, ông Trần Văn Phố - Giám đốc Công ty Việt Hàn thừa nhận, qua kiểm tra hồ sơ pháp lý, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã có ý kiến về hồ sơ của trạm trộn bê tông có hợp đồng thuê đất và đề án Bảo vệ môi trường nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép. 

Sai phạm đã rõ, thế nhưng, ông Nguyễn Tuấn Linh - Phó Giám đốc Khu LHTT Mỹ Đình khi tham gia cuộc họp vẫn cho rằng: Công ty Việt Hàn thực hiện tốt nội dung về môi trường và đề nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho DN này tiếp tục hoạt động.

Trong khi đó, hợp đồng thuê mặt bằng giữa Khu LHTT Mỹ Đình và Công ty Việt Hàn đã kết thúc từ ngày 30/6 và sẽ phải trả lại mặt bằng như hiện trạng ban đầu nhưng đến nay, trạm trộn bê tông này vẫn tiếp tục hoạt động. Dư luận cho rằng, việc báo cáo sai sự thật của vị đại diện Khu LHTT Mỹ Đình nhằm bao che cho những sai phạm của Công ty Việt Hàn đang lộ rõ bản chất việc tiếp tay cho sai phạm.Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.