Cùng dự với Đoàn đại biểu TP Hà Nội có đồng chí Nguyễn Phước Lộc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh.
Tại Di tích Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, Đoàn đại biểu Thành ủy TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã dâng hương lên cố Tổng Bí thư Trần Phú, nghe giới thiệu về quá trình hình thành Khu trại giam và thăm quan di tích.
Di tích lịch sử quốc gia Khu trại giam bệnh viện Chợ Quán - nơi đồng chí Trần Phú hy sinh vào ngày 6/9/1931, được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia theo quyết định số 1288 ngày 16/11/1988. Vị trí của di tích nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, số 764 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5.
Chợ Quán là địa danh có từ lâu, nằm ven bờ kênh Tàu Hũ. Năm 1860, quân đội viễn chinh Pháp chiếm khu đất rộng hơn 5ha tại ngôi làng Chợ Quán và thành lập trạm cứu thương nhằm phục vụ quá trình xâm lược Nam kỳ. Tháng 2/1861, bệnh viện dã chiến Chợ Quán bắt đầu hoạt động, phục vụ cho quân viễn chinh Pháp. Từ năm 1862, thục dân Pháp xây dựng bệnh viện hoàn chỉnh và lấy tên Bệnh viện Chợ Quán. Đến năm 1864, bệnh viện Chợ Quán có thêm nhiều khoa điều trị, trở thành bệnh viện đầu tiên (theo Tây y) ở Việt Nam, vừa phục vụ cho chính quyền Pháp vừa là nơi chữa bệnh cho người dân bản xứ.
Từ năm 1876, khu nhà dành để nhốt người bị bệnh tâm thần nguy hiểm trong Bệnh viện Chợ Quán được cải tạo thành nơi giam giữ những người tù bị bệnh gọi là “bệnh phạm”. Nơi đây được xem là một mô hình thuộc dạng hiếm trên thế giới vì tính chất kết hợp đặc biệt của nó “khu trại giam trong bệnh viện”. Khu trại giam này được xem là một nhánh trực thuộc Khám Lớn Sài Gòn thời bấy giờ dưới sự cai quản, chỉ đạo cấp cao của Giám đốc Nhà tù Trung tâm Sài Gòn (hay còn gọi là Khám Lớn Sài Gòn).
Để che đậy tội ác, chính quyền Pháp thuộc biến khu điều trị bệnh thành một nhà tù thu nhỏ, với tên gọi hoa mỹ là “Khu bịnh nhân cải huấn” để thực hiện nhốt tù nhân bị bệnh từ các nhà tù đưa về; vừa điều trị vừa khai thác tin tức, tra hỏi. Tù nhân bị đưa vào đây dù bệnh rất nặng, nhưng chế độ giam giữ vẫn rất khắc nghiệt và dã man. Nhà tù thu nhỏ này đã từng giam giữ các lãnh tụ, chiến sĩ cộng sản kiên trung, như đồng chí Trần Não, Trần Bạch Đằng, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Trỗi… và đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 18/4/1931, Tổng Bí thư Trần Phú bị thực dân Pháp bắt tại Trụ sở Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở số nhà 66 đường Champagne (nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3). Sau đó, thực dân Pháp đưa đồng chí Trần Phú về giam tại bót Pôlô (bót này nằm sau lưng Bệnh viện Chợ Rẫy), rồi chuyển qua bót Catinat (hiện nay là số 164 Đồng Khởi, trụ sở của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh), sau đó là hầm tối Khám Lớn Sài Gòn (nay là Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh) rồi đưa ra xét xử tại Tòa án Sài Gòn với bản án tử hình.
Dưới chế độ lao tù hà khắc, những đòn tra tấn dã man của kẻ thù (rạch gan bàn tay, bàn chân rồi nhét bông gòn đã tẩm xăng dầu vào đốt; bắt uống nước pha xà bông, treo ngược lên trần nhà hay còn gọi đi tàu bay) đã làm cho sức khỏe của Tổng Bí thư Trần Phú dần suy kiệt. Khi thấy sức khỏe của đồng chí Trần Phú suy kiệt, ngày 26/8/1931 địch đưa đồng chí đến trại giam trong Bệnh viện Chợ Quán. Tại đây, đồng chí vẫn mang số tù 518431.
Ngày đầu tiên, chúng để đồng chí Trần Phú ở phòng tập thể, giam với khoảng 20 người; phòng rộng (3,6m x 10,2m), cửa sổ có lưới sắt (kích thước 0,8m x 1,7m). Cùng phòng, có các đồng chí Nguyễn Văn Nhung, Châu Văn Sanh (đã hy sinh); Hương quản Bồ (ở Hóc Môn, đã qua đời). Những người này đã tận tình chăm sóc Tổng Bí thư Trần Phú khi bị giam và chữa trị tại đây. Trên vách tường của khu trại giam có dòng chữ “Tù nhơn chết – Cho Tổ quốc sống” cùng cánh chim bồ câu đang tung bay. Đây là nét chữ do các tù nhân nơi đây đã viết nên, họ là những người Cộng sản kiên trung, sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trước kia, dòng chữ này bị che lấp, nhưng sau khi trùng tu khu trại giam, thì phát lộ dòng chữ này.
Đến ngày 5/9/1931 (ngày thứ chín) bệnh của đồng Trần Phú trở nên nguy kịch, vì vậy đồng chí Nhung ghé sát tai đồng Trần Phú hỏi: “Thứ hai địch đưa tôi về khám, đồng chí có nhắn nhủ gì không”? Dồn hết sức còn lại, đồng chí Trần Phú nói “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Lúc 5 giờ chiều ngày 6/9/1931 (ngày chủ nhật) y tá vào thay ca và cho khiêng đồng chí Trần Phú qua phòng giam cá nhân để tiện chăm sóc. Bốn đồng đội khiêng đồng chí Trần Phú bằng tay, lúc di chuyển tại hành lang, chưa đến phòng cá nhân thì đồng chí Trần Phú trút hơi thở cuối cùng trên tay của đồng đội mình khi mới 27 tuổi. Thi hài của đồng chí Trần Phú được đặt ở phòng cá nhân số 2, và lễ truy điệu đồng chí Trần Phú được tổ chức ở phòng này. Toàn thể tù chính trị trong trại giam đã đứng dọc theo hành lang để tiễn đưa đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vào thời điểm Mỹ - Ngụy chiếm đóng Sài Gòn, chúng vẫn sử dụng trại giam Bệnh viện Chợ Quán để tiếp tục giam giữ bệnh phạm, và chúng đã cho xây rất nhiều hạng mục khác nhau để che mắt những tội lỗi mà chúng gây ra.
Đến ngày 25/4/2023, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh có kết luận về chủ trương thực hiện “Đề án tu bổ, tôn tạo khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán – nơi đồng chí Trần Phú hy sinh”, với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tu bổ nhà giam, chốt canh gác theo nguyên trạng khu đất với diện tích 2.211,5m2; hoàn thành vào dịp kỷ niệm 120 ngày sinh đồng chí Trần Phú (1/5/1904 - 1/5/2024). Giai đoạn 2, mở rộng diện tích 1.967m2 gồm: xây dựng nhà mới tiếp đón khách tham quan - Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, nhà trưng bày các hiện vật.