Khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh dự báo tiếp tục mưa vừa, mưa to, rất to và giông

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi đổ bộ đất liền vào rạng sáng nay, bão số 2 đã suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Ghi nhận ban đầu chưa có thiệt hại về người do bão số 2.

Đại diện bộ đội biên phòng thông tin về sự cố đối với tàu cá TH91677
Thông tin tại cuộc họp sáng 13/6, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, bão số 2 đã đổ bộ vào khu vực từ Thái Bình đến phía Bắc Nghệ An vào lúc 2 giờ sáng 13/6. Gió đo được mạnh nhất ở trạm Văn Lý (Nam Định) cấp 8 giật cấp 10, còn lại phổ biến cấp 6 giật cấp 8.
Bão số 2 đã gây mưa chủ yếu ở khu vực ven biển với lượng mưa phổ biến 80 - 150mm. Trong ngày 13/6, ở Đồng bằng, Trung du Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh dự báo tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, với tổng lượng mưa phổ biến 50 - 120mm, có nơi trên 150mm.

Liên quan đến tình hình tàu thuyền, bộ đội biên phòng tuyến biển thông tin, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định đã thông báo, hướng dẫn cho 54.673 phương tiện với 235.111 người di chuyển tránh bão hoặc về nơi trú tránh. Tuy nhiên, vẫn ghi nhận một sự cố xảy đến với tàu cá TH91677. Khi 7 người khi di chuyển vào đảo Bạch Long Vĩ tránh bão đã bị sóng đánh chìm. 7 người trên tàu đã được cứu vớt an toàn.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu tại cuộc họp sáng 13/6
Hiện, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đang theo dõi sát diễn biến để ổn định lại đời sống, sản xuất cho người dân. Trước đó, các địa phương đã phải tổ chức vận động, sơ tán tổng số 6.047 người trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền ở các khu neo đậu vào bờ tránh bão.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ sau bão. Chủ động triển khai các biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp khi xảy ra mưa lớn gây ngập lụt.
Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, các khu hầm lò, khai thác khoáng sản. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị ứng phó với thiên tai khi có yêu cầu. Cùng với sớm ổn định cuộc sống cho người dân phải di dời khẩn cấp do bão số 2, địa phương cần có phương án đảm bảo an toàn cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại các địa bàn xảy ra mưa lũ lớn sau bão…