Đây là hiện trạng đã và đang diễn ra tại khu dân dư An Khang, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Và, “thủ phạm” đang ngày đêm “hành” hàng trăm hộ dân ở đây, trớ trêu thay lại là khu xử lý rác thải của huyện Tân Lạc, đặt tại khu Chiềng Khến, thị trấn Mãn Đức của Công ty Cổ phần đầu tư Kim Đạt Việt.
Suối đầu nguồn bất ngờ bốc mùi, đổi sắc
Những ngày gần đây, hơn 100 hộ dân khu An Khang, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đứng ngồi không yên bởi con suối Cơi – một trong hai nguồn nước duy nhất phục vụ sinh hoạt và sản xuất, cho cả khu vực này, lại một lần nữa bốc mùi và biến sắc khiến ai cũng tránh xa không dám lại gần.
Nói là “lại một lần nữa” bởi đây không phải lần đầu tiên suối Cơi này bị ô nhiễm, mà tình trạng này vẫn liên tục lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua. Đặc biệt sau những trận mưa lớn, một lượng lớn nước thải từ khu xử lý rác lại được dịp tràn xuống.
Ông Bùi Văn Mẫn, Tổ trưởng khu An Khang cho biết, cách đây khoảng 10 năm (năm 2014 – PV), trên khu Chiềng Khến - nằm trên ngọn đồi cách đó chỉ vài trăm mét đường chim bay bỗng xuất hiện một bãi rác. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, nguồn nước suối của bà con khu An Khang bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu lạ, chuyển màu sẫm và bốc mùi. “Lúc đầu còn ít (tình trạng ô nhiễm – PV) nhưng càng về sau mùi càng nặng và nước càng đen” – ông Mẫn nói.
Cũng theo ông Mẫn, trước kia, nước suối Cơi trong lắm. Cả làng đều ra đây lấy về ăn, uống, sinh hoạt. Mùa hè thảnh nơi tắm rửa, vui chơi của lũ trẻ; nơi đánh bắt cá của người lớn. Đến vụ mùa, suối cũng là nguồn nước chính cho bà con cấy cày, tưới tiêu cho đồng ruộng.
Nhưng từ ngày bị ô nhiễm, hầu như chẳng ai dám đến gần. Chỉ duy nhất việc đồng áng mọi người vẫn buộc phải sử dụng nguồn nước này dù mỗi lần lội ruộng, thằm đồng về, chân tay lại ngứa ngáy khó chịu.
Điều khiến ông Mẫn lo lắng nhất, không chỉ là việc nguồn nước sinh hoạt của người dân trong khu bị ảnh hưởng, mà chính là phạm vi ảnh hưởng từ nguồn nước ô nhiễm này có khả năng sẽ lan rộng, chứ không chỉ dừng lại ở hơn 100 hộ dân khu An Khang.
“Suối Cơi là đầu nguồn nguồn nước của cả huyện Tân Lạc. Suối này chảy xuống tận trung tâm huyện” – ông Mẫn nói và cho biết thêm, ở huyện Tân Lạc có một nhà máy nước sạch. Theo ông Mẫn, nếu không sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm tại suối Cơi có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sử dụng cho nhà máy nước sạch này.
Loay hoay tìm giải pháp
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Quách Văn Thạo - Phó chủ tịch UBND thị trấn Mãn Đức thừa nhận tình trạng ô nhiễm nguồn nước suối Cơi do khu xử lý rác thải gây ra.
“Bãi rác này có từ lúc chưa xác nhập vào thị trấn 2020, là bãi rác riêng của thị trấn Mường Khến. Sau khi xác nhập vào thị trấn Mãn Đức, bãi rác này chứa rác chung của toàn huyện Tân Lạc, nên khối lượng rác chuyển về mỗi ngày rất lớn” – ông Thạo nói và cho biết, hiện tượng ô nhiễm do khu xử lý rác thải này gây ra bắt đầu xuất hiện từ năm 2021. Trong thời gian qua, các đợt tiếp xúc cử tri, người dân đều có ý kiến.
“Vừa rồi, UBND huyện có tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành cùng công ty Kim Đạt Việt đi xác định lại mức thẩm thấu xuống nước ngầm để có biện pháp xử lý. Hiện nay, Công ty Kim Đạt Việt đã làm hồ sơ đề nghị với huyện chấp thuận làm mương và phủ bạt lên trên để xử lý nước chảy ra” – ông Thạo cho hay.
Khi chúng tôi cho xem hình ảnh bừa bộn tại khu xử lý chất thải thị trấn Mãn Đức, ông Thạo tỏ ra bất ngờ. “Cách đây 10 ngày, Kim Đạt Việt hứa với chúng tôi sẽ phủ bạt, nếu đúng như hình ảnh anh chia sẻ thì công ty này chưa làm. Nước ngầm bị ô nhiễm là do bãi rác có 1 hố rất sâu, nước chảy trên đầu nguồn xuống rồi thẩm thấu xuống dưới” – ông Thạo nói. Còn về giải pháp, vị Phó chủ tịch UBND thị trấn Mãn Đức tỏ ra bối rối: “Biện pháp bây giờ chúng tôi cũng chưa có giải pháp hiệu quả”.
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, vào tháng 6/2023, trước ý kiến kiến nghị của Nhân dân trong khu vực, UBND thị trấn Mãn Đức đã có báo cáo gửi UBND huyện Tân Lạc và các phòng, ban liên quan về việc nguồn nước tại khu An Khang bị ô nhiễm, đồng thời đề nghị UBND huyện và các cơ quan chuyên môn có hướng giải quyết, đảm bảo đời sống cho người dân.
Sau đó, UBND huyện Tân Lạc cũng tổ chức buổi làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư Kim Đạt Việt là đơn vị quản lý, vận hành khu xử lý rác thải thị trấn Mãn Đức để thống nhất phương án giải quyết sự cố môi trường tại đây.
Trong buổi làm việc này, UBND huyện Tân Lạc cho biết, khu xử lý rác thải của Công ty Cổ phần đầu tư Kim Đạt Việt đặt tại khu Chiềng Khến, thị trấn Mãn Đức có diện tích gần 2 héc ta, đi vào hoạt động từ năm 2017, chuyên tập kết và xử lý rác thải cho các địa phương ở huyện Tân Lạc.
Tuy nhiên, do lượng rác thải quá nhiều, bên cạnh đó trong quá trình xử lý chưa đảm bảo nên đã gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới đời sống của người dân gần khu vực phụ cận.
Bên cạnh đó, trong những ngày trên địa bàn huyện có mưa lớn, nên lượng nước dồn về khu vực xử lý rác thải lớn, dẫn đến tình trạng ùn ứ và thẩm thấu chảy theo dòng suối xuống khu dân cư An Khang, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Từ nhận định trên, lãnh đạo huyện Tân Lạc yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư Kim Đạt Việt thực hiện ngay các biện pháp khắc phục. Trước mắt là phủ bạt toàn bộ bãi rác, đưa các thiết bị máy móc để xử lý việc rò rỉ nước ra môi trường.
Đồng thời triển khai các phương án xây bao, thu dung nước thải và áp dụng công nghệ mới vào xử lý rác thải; giao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiểm tra quy định về quy trình, thủ tục đánh giá tác động môi trường, cùng phối hợp với các đơn vị liên quan tìm các phương án giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Đến nay tròn 1 năm sau buổi làm việc trên, tình trạng ô nhiễm nguồn nước suối Cơi tại khu An Khang, thị trấn Mãn Đức vẫn chưa được giải quyết.
Dòng suối cơi bị ô nhiễm là một trong 2 con suối chính chảy qua huyện Tân Lạc, các nơi dòng suối này chảy qua đều tập trung đông đúc dân cư. Đặc biệt là khu đô thị Mường Hến. Khu An Khang có 120 hộ dân. Nước suối hòa vào dòng này không biết ảnh hưởng đến bao nhiêu người, ô nhiễm nguồn nước là rất lớn. Tôi cũng rất lo dòng nước đang lan rộng, nhà máy nước sạch của huyện còn 6 - 7km, nếu ô nhiễm đến đấy thì chết. Phương án duy nhất là chuyển đi, nhưng lộ trình phải 2 - 3 năm” - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mãn Đức Quách Văn Thạo