Khuất tất vụ một mảnh đất chính quyền bán cho hai người

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn phòng Đại diện báo Kinh tế & Đô thị tại TP Hồ Chí Minh nhận đơn phản ánh của...

Kinhtedothi - Văn phòng Đại diện báo Kinh tế & Đô thị tại TP Hồ Chí Minh nhận đơn phản ánh của gia đình ông Bùi Thọ Mão (địa chỉ số 5 Trịnh Hoài Đức, phường 13, quận 5) về việc một phần diện tích nhà hợp pháp của mình bị chiếm dụng với sự giúp đỡ hợp thức hóa của chính quyền sở tại. Phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu sự việc.

Một mảnh đất bán cho hai người

Ngày 10/11/1978, UBND TP Hồ Chí Minh có Quyết định số 3619/QĐ-UB về việc cấp căn nhà số 5 Trịnh Hoài Đức, phường 3 (nay là phường 13), quận 5 cho Công ty Dược phẩm cấp 1 (DP1), để phân phối nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Sau đó, DP1 đã ban hành Quyết định số 276/TC ngày 6/3/1979 để phân phối căn nhà này (gồm toàn bộ tầng trệt) cho gia đình ông Bùi Thọ Mão. Tuy nhiên, vào thời điểm DP1 ban hành quyết định phân phối nhà cho ông Mão, một phần diện tích phía trước của căn nhà khoảng 25m2 Bưu điện quận 5 đang sử dụng làm nơi phát hành báo chí. Vì vậy, ông Mão đã kiến nghị DP1 đòi phần nhà mà Bưu điện quận 5 đang sử dụng để giao cho mình.
Phần tầng trệt căn nhà đã được UBND TP Hồ Chí Minh cấp cho gia đình ông Mão năm 1978 nhưng đến năm 2001 lại được bán cho ông Quế.
Phần tầng trệt căn nhà đã được UBND TP Hồ Chí Minh cấp cho gia đình ông Mão năm 1978 nhưng đến năm 2001 lại được bán cho ông Quế.
Ngày 29/5/1983, DP1 đã ban hành Văn bản số 347/DP1 yêu cầu “Bưu điện quận 5 trả lại cho công ty phần diện tích nhà đang sử dụng để công ty giao lại cho ông Mão” và Bưu điện quận 5 đã đồng ý. Tiếp đó, ngày 27/10/1983, DP1 đã ban hành Văn bản số 1079/DP1 gửi Chủ tịch UBND phường 3 đề nghị được giúp đỡ để Bưu điện quận 5 giao lại cho gia đình ông Mão phần diện tích nhà nêu trên.  Tuy nhiên, năm 1984 khi Bưu điện quận 5 trả lại phần diện tích nhà nói trên thì UBND phường 3 lại chiếm dụng phần nhà này để làm nhà tạm giam cho công an. Đến cuối năm 1985, nhà tạm giam của cơ quan công an được chuyển về địa điểm khác thì ông Lê Đức Quế (là cán bộ công an quận 5) đã tự ý chiếm dụng phần nhà này để ở.

Từ năm 1985, DP1 và ông Bùi Thọ Mão liên tục có đơn gửi các cơ quan chức năng để đòi phần nhà mà ông Quế đang ở. Vậy mà, ngày 23/7/1990, lấy lý do nhà vắng chủ, UBND quận 5 đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-HC để tạm giao phần diện tích nhà này cho ông Quế sử dụng. Ông Quế đã được mua phần nhà này theo Nghị định 61/CP và đã được UBND TP Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận số 16223/2001 ngày 10/8/2001. Đến ngày 21/6/2006 ông Bùi Thọ Mão đã được UBND quận 5 cấp Giấy chứng nhận số AE 092302 cho toàn bộ phần diện tích tầng trệt và tầng 1 của căn nhà này.

Hành trình tìm công lý

Như đã nói, từ năm 1985, gia đình ông Bùi Thọ Mão cùng DP1 liên tục có đơn đòi phần nhà ông Quế đang ở và khiếu nại sự việc trên tới chính quyền các cấp của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sự việc đã không được giải quyết thấu đáo theo quy định của pháp luật. Ngày 22/5/2000, UBND quận 5 đã ban hành Quyết số 1413/QĐ-UB bác đơn khiếu nại của ông Mão với lý do: “Qua kiểm tra hồ sơ khi tiếp quản nhà số 5 Trịnh Hoài Đức, trên bản thống kê nhà cửa và trang thiết bị của hộ tư sản Vương Tiêu Xuân thì tầng trệt có 2 chủ. Trong đó, ông Vương Tiêu Xuân chỉ ở ½tầng trệt là 29m2, phần 30m2 chủ khác ở phù hợp với diện tích căn nhà số 5 Trịnh Hoài Đức được cấp cho DP1. Còn phần nhà hiện nay ông Quế đang sử dụng có số nhà là 53 không liên quan gì với căn nhà số 5 Trịnh Hoài Đức”.

Theo hồ sơ lưu trữ, căn nhà số 5 Trịnh Hoài Đức trước đây là của gia đình ông Vương Tiêu Xuân tại ngã 4 đường Trịnh Hoài Đức và Nguyễn Văn Thạch (sau giải phóng đổi thành đường Nguyễn Thi). Gia đình ông Xuân bị tịch thu căn nhà này vào năm 1978. Căn nhà này có diện tích đất 59m2 và kết cấu 1 trệt và 2 lầu, diện tích sử dụng là 175,8m2, diện tích sử dụng chính là 130m2 và chỉ một hộ sử dụng. Khi xác minh sự việc chúng tôi thấy rằng, căn nhà có một phần diện tích đất thuộc quy hoạch lộ giới (được công nhận), còn phần xây dựng lấn lộ giới thì không được công nhận. Bởi vậy, diện tích sử dụng chính là 130/175,8m2 là do đã trừ phần diện tích sàn xây dựng ở tầng 1 và 2 là hợp lý. Chứ không phải như lý do mà UBND quận 5 đưa ra.

Tại Quyết định số 3618/QĐ-UB ngày 18/6/2001 của UBND TP Hồ Chí Minh giải quyết khiếu nại của ông Mão đã khẳng định: “Căn cứ Quyết định số 3619/QĐ-UB ngày 10/11/1978 của UBND TP Hồ Chí Minh cấp nhà số 5 đường Trịnh Hoài Đức cho DP1, trong đó có phần diện tích căn nhà số 53 Nguyễn Thi. Vì vậy, khi Bưu điện quận 5 dời đi nơi khác, UBND phường 13 bố trí cho hộ ông Quế sử dụng và được UBND quận 5 tạm giao theo Quyết định số 130/QĐ-UB ngày 23/7/1990 là không đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, xét thực tế 2 hộ Lê Đức Quế và Bùi Thọ Mão đều có nhu cầu về chỗ ở. Xét hai căn nhà trên đều thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước có toàn quyền bố trí sử dụng căn cứ quỹ nhà ở của Nhà nước. Nên bác đơn khiếu nại của ông Mão và công nhận việc Nhà nước bán nhà số 53 Nguyễn Thi cho ông Quế là đúng pháp luật”.

Sau gần 30 năm khiếu nại tới các cơ quan chức năng để đòi nhà nhưng không được, nên ông Mão đã khởi kiện ông Quế ra tòa để đòi quyền lợi cho mình. Ngày 7/1/2010, Tòa án Nhân dân quận 5 đã thụ lý đơn khởi kiện của ông Mão, tuy nhiên đã hơn 5 năm trôi qua mà Tòa án Nhân dân quận 5 vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử?

Luật sư Vũ Xuân Cát (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Quyết định số 3618/QĐ-UB ngày 18/6/2001 của UBND TP Hồ Chí Minh giải quyết đơn khiếu nại của ông Mão là vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, đến thời điểm ngày 18/6/2001 thì Quyết định số 3619/QĐ-UB ngày 10/11/1978 của UBND TP Hồ Chí Minh vẫn còn hiệu lực, đồng nghĩa với việc toàn bộ tầng trệt căn nhà số 5 Trịnh Hoài Đức (bao gồm cả căn nhà 53 Nguyễn Thi) đã được cấp cho DP1 và thuộc quyền sử dụng của ông Mão. Việc UBND TP Hồ Chí Minh bán căn nhà 53 Nguyễn Thi (thuộc một phần căn nhà số 5 Trịnh Hoài Đức đã cấp cho ông Mão) cho ông Quế nhưng không ban hành quyết định thu hồi căn nhà này của ông Mão hoặc ban hành quyết định hủy bỏ Quyết định 3619 nêu trên là vi phạm pháp luật.