Khúc hát "Mùa Thu giấu em" đưa nhạc sĩ Phú Quang về với đất mẹ

Tin: Minh An, ảnh Hoà Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 13/12, gia đình, đồng nghiệp và nhiều người yêu mến nhạc sĩ Phú Quang đã đến Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Nhân Tông) để đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tang lễ của nhạc sĩ Phú Quang được tổ chức từ 7 giờ đến 8 giờ 45 ngày 13/12 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Sau đó, gia đình gia đình sẽ đưa thi hài của nhạc sĩ an táng tại công viên tưởng niệm Thiên Đức, huyện Phù Ninh, Phú Thọ.

 Tang lễ nhạc sĩ Phú Quang.

Lễ viếng nhạc sĩ Phú Quang chính thức cử hành lúc 7 giờ trong tiếng nhạc du dương. Âm nhạc Phú Quang (Bâng quơ, Khúc mùa Thu, Mùa Thu giấu em...) qua giọng hát Ngọc Anh thay nhạc Hồn tử sĩ tiễn biệt. Gia đình cũng chọn một số ca khúc nổi bật trong sự nghiệp âm nhạc của Phú Quang, qua những giọng ca từng thành công hát nhạc của ông.
 Gia đình nhạc sĩ Phú Quang trong giây phút tiễn biệt.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi vòng hoa viếng. Nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ, ban, ngành cũng gửi vòng hoa hoặc trực tiếp tới viếng và chia tay nhạc sĩ Phú Quang.

Theo nguyện vọng của gia đình nhạc sĩ Phú Quang, lễ tang được tổ chức ấm cũng, giản dị. Vì sự căng thẳng của dịch bệnh, người đến viếng mang theo khẩu trang, nước rửa tay và giữ khoảng cách an toàn, đảm bảo vệ sinh dịch tễ khi tham gia chương trình tang lễ.
 Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an viếng nhạc sĩ Phú Quang.

Đến viếng nhạc sĩ Phú Quang NSƯT Trần Ly Ly có chia sẻ dài trong sổ tang: "Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam vô cùng vinh dự là nơi đầu tiên nhạc sĩ Phú Quang đã đến và làm việc sau khi tốt nghiệp tại Nhạc viện Hà Nội. Được là chiếc nôi một thời hun đúc tài năng của nghệ sĩ. Sự cống hiến của ông cho nhà hát và cho nền âm nhạc và con người Việt Nam thật đáng ngưỡng mộ và trân quý, là giá trị bất biến đối với tâm hồn người Hà Nội và cả nước".
Giây phút bạn bè, đồng nghiệp nghẹn ngào tiễn đưa nhạc sĩ Phú Quang.

Ca sĩ Tấn Minh viết trong sổ tang: "Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long vô cùng thương tiếc Anh, xin được chia sẻ cùng tang quyến. Kính cầu linh hồn Anh sớm được siêu thoát về đất lành tiên cảnh".
 Dòng người tiễn đưa nhạc sĩ Phú Quang.

Trong sổ tang, ca sĩ Tùng Dương xúc động chia sẻ: "Cháu sẽ nhớ mãi nụ cười hiền hậu, những tác phẩm đã sống mãi cùng cháu cả thời ấu thơ cũng như thanh xuân. Cháu nhớ mãi những lời chú dặn và chia sẻ. Những thế hệ tiếp nối sẽ hát, yêu thích mãi những tác phẩm bất hủ của chú. Cháu hạnh phúc khi được hát tác phẩm Mẹ đầy xúc động, thiêng liêng của chú. Mong chú yên nghỉ. Ta dạo chơi hoài trên phố ở cảnh giới mới". An ủi với vợ cố nhạc sĩ, Tùng Dương bày tỏ: "Dương luôn trân trọng, ngưỡng mộ nhạc sĩ Phú Quang - người nhạc sĩ dành cả cuộc đời mình cho việc sáng tác. Ông luôn chọn những vần thơ đẹp nhất, chắp cánh trở thành những tác phẩm bất hủ về Hà Nội".
 Nhiều cá nhân, cơ quan, đoàn thể chia buồn cùng gia đình nghệ sĩ.

Nhạc sĩ Phú Quang đã trút hơi thở cuối cùng vào 8 giờ 45 ngày 8/12/2021 (tức ngày 5/11 năm Tân Sửu) tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô Hà Nội sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh hiểm nghèo. Ông hưởng thọ 72 tuổi.

Clip con trai nhạc sĩ Phú Quang xúc động nhắn nhủ tới bố trong lễ truy điệu

Trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Phú Quang còn viết rất nhiều nhạc sân khấu, điện ảnh, nhạc thính phòng, giao hưởng, nhạc múa, nhạc nền cho cải lương. Trong kho tàng hơn 600 bài hát của ông, đa số sáng tác viết về Hà Nội. Nhiều bài thơ được ông phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng như: “Em ơi, Hà Nội phố” (thơ Phan Vũ), “Hà Nội ngày trở về” (thơ Thanh Tùng), “Im lặng đêm Hà Nội” (thơ Phan Thị Ngọc Liên), “Một dại khờ, một tôi” (thơ Nguyễn Trọng Tạo).

Ông cũng đã xuất bản tập bài hát Đâu phải bởi mùa Thu (1990), Những tình khúc Phú Quang chọn lọc (46 bài, 1995). Nhạc sĩ Phú Quang được vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014" trong lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014). Ông đang có tên trong danh sách xét tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2021 với cụm tác phẩm: “Em ơi, Hà Nội phố”; “Điều giản dị”, “Hà Nội ngày trở về”, “Chiều phủ Tây Hồ” và khí nhạc Solo Fute et orchestre “Tình yêu của biển”.