Khúc hát ru của những người đàn ông làng biển Cảnh Dương

Bùi Biền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hát ru là làn điệu quen thuộc đã đi vào tiềm thức của mỗi chúng ta qua lời của bà, của mẹ. Thế nhưng, ở làng biển Cảng Dương những làn điệu ấy lại được cất lên từ những người cha, người ông...

Về làng biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), đâu đó vang lên khúc hát ru trầm ấm “hò he hò hè, bôồng bôổng bôông bôông”, từ chính những người ông, người cha nơi đây. Họ hát với một làn điệu riêng, âm hưởng có phần nặng hơn nhằm át tiếng sóng vỗ rì rầm của biển cả. Thoạt đầu khá lạ tai, nhưng nghe lâu dần sẽ cảm nhận được nét dịu êm, nhẹ nhàng và đầy tình cảm không khác gì những làn điệu “à ơi, à ời…” của Bắc bộ, hay “ầu ơ, ví dầu…” của đồng bào Nam bộ.

Nghệ nhân Lê Thành Lộc được phác họa trên Bích họa làng Cảnh Dương
Nghệ nhân Lê Thành Lộc được phác họa trên Bích họa làng Cảnh Dương

Đối với những người đàn ông ở làng biển này, hát không còn chỉ để ru con, mà còn hát về tấm gương hiếu hạnh, thề nguyền gái trai, kinh nghiệm đánh bắt, bè bạn, xóm giềng, quê hương và có khi là lời ru mình và ru đời trước thế thái nhân tình…

Không ai biết làn điệu hát ru ở làng biển Cảnh Dương có từ bao giờ, nhưng theo các bậc cao niên, những câu hát mộc mạc và bình dị ấy đã len lỏi vào cuộc sống, sinh hoạt, lao động và tiềm thức của người dân hàng trăm năm nay. Ở nơi đây, hát ru không đơn thuần là một làn điệu, diễn xướng mà còn mang giá trị văn hóa phi vật thể đang được bảo tồn và phát huy.

Lý giải về ý nghĩa của làn điệu hát ru này, nghệ nhân ưu tú Lê Thành Lộc (SN 1968, xã Cảnh Dương) chia sẻ, lời hát ru của đàn ông Cảnh Dương được xuất phát từ thực tế lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Ở đây, người dân chủ yếu làm nghề biển, cuộc sống lênh đênh nên nỗi nhớ nhà, nhớ người thân luôn thường trực trong họ. Lời hát ru “hò he, hò hè, bôồng bôổng bôông bôông”, còn là hát giữa những bạn thuyền với nhau, hay hát cho tâm trạng chính mình giữa muôn trùng biển khơi khiến họ phần nào vơi đi nỗi nhớ, có động lực để hăng say lao động sản xuất. Đặc biệt, sau mỗi chuyến đánh bắt về, đàn ông Cảnh Dương thường sẽ ở nhà trông con, trông cháu để phụ nữ mang sản vật ra chợ nên giai điệu hát ru trở thành âm thanh quen thuộc để dỗ dành con, cháu.

Đàn ông Cảnh Dương hát ru con và ru chính mình
Đàn ông Cảnh Dương hát ru con và ru chính mình

“Hò he, hò hè, bôồng bôổng bôông bôông/Ai về đất Cảnh hôm nay/Ra khơi vào lộng sóng reo sớm chiều/bôồng bôổng bôông bôông, hò he hò hè/Thuyền anh chở nặng cá tôm/Trên bờ em đón trái tim rộn ràng, bôồng bôổng bôồng bôồng, hò hẻ hò he…” vừa tâm sự, nghệ nhân Lê Thành Lộc vừa ngân nga.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể này, vào ngày 15/6/2017, nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình, nghệ nhân Lê Thành Lộc cùng những thành viên cao tuổi trong làng đã thành lập CLB Dân ca Cảnh Dương. CLB này là nơi để các thành viên có đam mê với làn điệu dân ca làng Cảnh Dương giao lưu, truyền dạy và sinh hoạt hằng ngày, Hơn hết, nơi đây còn trở thành cái nôi đào tạo cho thế hệ trẻ có niềm đam mê cháy bỏng với làn điệu dân ca của quê nhà. Nhờ vậy, nhiều làn điệu hát ru, chèo cạn, hò khoan bơi chải... một thời bị mai một nay đang dần được bảo tồn và phát huy, những làn điệu này còn được các nghệ nhân mang đi trình diễn khắp trong và ngoài tỉnh, giành được nhiều giải thưởng quý giá về vật chất lẫn tinh thần.

Là một người tâm huyết với điệu hát ru của ngư dân miền biển, nghệ nhân ưu tú Lê Thành Lộc đã tích cực sưu tầm, tham gia cải biên, sáng tác những làn điệu hát ru mới phù hợp với đổi thay của quê hương. Những câu hát quảng bá hình ảnh con người, quê hương Cảnh Dương đến khách thập phương cũng như giáo dục con cháu về truyền thống anh hùng của làng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm.

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền mà giai điệu hát ru làng Cảnh Dương đã không ngừng phát triển và tạo được sự lan tỏa đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân.

Câu hát ru của người cha, người ông đã đi sâu vào tiềm thức trẻ em làng Cảnh Dương
Câu hát ru của người cha, người ông đã đi sâu vào tiềm thức trẻ em làng Cảnh Dương

Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Đồng Vinh Quang cho biết, làn điệu hát ru là nét văn hoá dân gian đặc sắc của người dân Cảnh Dương. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá đó, chính quyền địa phương đã và đang tích cực ủng hộ CLB do nghệ nhân ưu tú Lê Thành Lộc làm chủ nhiệm, CLB đã phát huy tốt giá trị trong việc lưu truyền và quảng bá giai điệu hát ru của quê hương.

“Hằng năm, chúng tôi luôn trích một phần kinh phí của xã, xin hỗ trợ của huyện và kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đóng góp để hỗ trợ CLB duy trì hoạt động” Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương nói.

Ngày nay, khi cuộc sống càng hiện đại, văn minh thì giá trị truyền thống mang đậm bản sắc vùng miền xưa dần mai một, lớp nghệ nhân văn hóa dân gian làng Cảnh Dương tuổi đã cao, giọng hát ru không còn được trong trẻo như trước, nhưng họ luôn khắc khoải mong muốn những giai điệu hát ru sẽ mãi mãi lưu truyền đến thế hệ mai sau. Đến với Cảnh Dương, quê hương không chỉ bước ra từ những câu thơ mà còn đẹp như lời ru của bố.

“Hò he, hò hè, bôồng bôổng bôông bôông/Ai về thăm biển quê tôi/Chiều nay biển lặng sóng êm vỗ bờ/bôồng bôổng bôông bôông, hò he hò hè/Biển khơi gió đông thổi về/Nhạn vơi đôi cánh trên bầu trời xanh/hò he, hò hè, bôồng bôổng bôông bôông/Lao xao ngọn sóng nhấp nhô/Biển trời xanh thẳm hoàng hôn đã về/ bôồng bôổng bôông bôông, hò he hò hè/…”