Khúc mắc bởi... tiền

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiền bạc, một chủ đề nhạy cảm không phải ai cũng muốn đề cập đến trong cuộc sống vợ chồng, nhưng trong thời buổi thứ gì cũng cần tiền như hiện nay, đó lại là một vấn đề nóng trong mỗi gia đình. Và một thống kê mới đây cho thấy, tiền bạc vẫn là nguyên nhân của 1/3 số vụ ly hôn của các cặp vợ chồng.

Một người phụ nữ kể, mặc dù kiếm tiền nhiều hơn vợ, nhưng chồng chị rất chi li trong việc tiêu pha hàng ngày. Hôm nào có việc gì không thể đừng, phải chi nhiều tiền như việc cưới hỏi của các em, hay con ốm, mẹ đau là cả ngày anh cứ chậc lưỡi tiếc mãi. Khổ nỗi thu nhập của chị lại quá thấp, chỉ đủ góp phần tiền ăn vào với gia đình, đúng như yêu cầu của anh, thỉnh thoảng mới dành ra mua cho mình, cho con được cái quần, cái áo. Mỗi lần nói đến chữ tiền với chồng, chị chỉ muốn khóc. Cuộc sống hiện đại biết bao nhiêu thứ phải chi tiêu, biết bao nhiêu nhu cầu phải đáp ứng, cũng vì vậy cuộc sống gia đình chị cứ nặng nề, mệt mỏi bởi những phàn nàn tiếc tiền của anh. Chẳng lẽ lại bỏ nhau chỉ vì “tiền”, chị cay đắng nghĩ.
 Ảnh minh họa
Với một người phụ nữ khác, dù bản thân chị làm ra tiền, chị cũng không phải là người không làm ra tiền hay hoang phí, nhưng cũng bởi chồng coi trọng đồng tiền quá mức, khiến gia đình nhiều lúc như rơi vào địa ngục. Mong anh hiểu rằng, tiền bạc phải phục vụ thiết thực cho cuộc sống, chứ mình không phải nô lệ của tiền bạc, đã rất nhiều lần chị nói với anh rằng: “Tiền bạc tuy cần thiết nhưng không phải là quan trọng nhất đối với con người, có nhiều thứ còn quý giá hơn gấp bội”. Nhưng đáp lại chị là cái cười nhạt của chồng kèm câu nói: Thời buổi này kẻ nào giàu có thì được nể nang, trọng vọng, còn chữ “nghèo” thường gắn với chữ “hèn”...

Chị kể: “Hai vợ chồng đều có lương cao nhưng anh nhất định không chịu chia sẻ với vợ khi chi tiêu khoản gì. Anh bảo anh phải dành dụm để mua nhà. Nhưng rồi khi nhà cũng là do chị và gia đình mua, anh lại bảo tiền anh để dành lo cho tương lai của các con. Ừ thì như thế cũng tốt, chị chặc lưỡi và tự mình làm, tự mình nuôi gia đình, với mức lương của chị điều ấy cũng không khó khăn gì. Chị mặc kệ anh với cái đống tiền tiết kiệm to đùng mà anh đang thích thú, nhưng anh lại không để cho chị yên. Tuy là chị tự làm tự tiêu, nhưng anh luôn để mắt đến một cách rất gắt gao. Nếu cảm thấy việc chi hơi có điều gì “bất ổn” là anh lại hạch sách chị rằng sao lại chi khoản ấy, sao lại hết nhiều tiền thế. Nhiều lúc chị bực mình phải gắt lên, “đấy là tiền em làm ra, muốn chi sao là việc của em”. Lúc đó, anh lại tua đi tua lại điệp khúc: Tiền mang gửi vào tiết kiệm để sau này dùng vào việc lớn. Em đừng dùng máy giặt nữa, giặt bằng tay cho đỡ tốn điện, tốn nước. Em cũng đừng mua sắm nhiều thế nữa, mặc thế là đủ rồi...”.

Những hoàn cảnh ấy không phải cá biệt. Nhiều khi chính việc người vợ kiếm được nhiều tiền hơn chồng cũng gây ra không ít bi kịch. Một bà chủ cửa hàng lớn ở Hà Nội đã nói, lúc mới lấy nhau vợ chồng tay trắng, nhưng gia đình lại rất hạnh phúc. Bây giờ đến lúc vợ chồng vương giả rồi, anh ấy lại sinh chuyện, nguyên nhân của bởi tiền anh ấy kiếm được ít tiền hơn chị. Từ đó, anh khó chịu, bắt ne, bắt nẹt từ cử chỉ đến lời nói. Chị lỡ lời một chút là anh gầm lên: “Phải rồi, cô giỏi...” rồi dắt xe bỏ đi uống rượu. Chị nào có tự hào gì về việc mình kiếm được tiền, thực lòng chỉ muốn được cùng anh lo cho gia đình, nhưng giải thích cách nào anh cũng không hiểu.

Chuyện không đồng tình trong sử dụng tiền bạc cũng là nguyên nhân gây ra bất hòa trong gia đình. Chồng muốn mua một cái ti vi lớn, vợ lại muốn mua một cái tủ quần áo thật to. Vợ muốn sửa nhà cho hiện đại, nhưng chồng lại muốn mua ô tô..., rồi cả hai mặt nặng mày nhẹ bởi vợ chồng cứ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như thế. Nhiều người cho rằng, mặc dù tiền bạc không phải là tất cả nhưng nó vẫn là phương tiện cực kỳ quan trọng để người ta đạt được đến hạnh phúc. Vì thế, một cuộc hôn nhân có bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của người vợ và chồng khi quan niệm về tiền bạc.

Hiện nay, các cặp vợ chồng trẻ sống phóng khoáng nên quan niệm về tiền bạc cũng rất thoáng. Khi mới cưới nhau xong, họ đã thống nhất, tiền của ai người nấy tiêu. Khi có việc gì chung thì sẽ bàn bạc, cùng đóng góp lại. Ban đầu, mọi việc có vẻ dễ dàng và ổn thỏa. Nhưng khi có con, kéo theo nó là một loạt những chi tiêu chung. Lúc đó họ bắt đầu hạch sách nhau, trách móc vì việc đưa nhiều đưa ít, nghi ngờ và dẫn đến rạn nứt mối quan hệ.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, sau khi kết hôn, hãy tập nói “của chúng ta” thay vì nói "của tôi" như trước đây. Chỉ khi nào nhận thức được như vậy, vợ chồng mới thật sự trọn vẹn tin tưởng, thương yêu nhau. Một điều cũng khá tế nhị trong quan hệ vợ chồng là nên cư xử với nhau như thế nào nếu một trong hai người có mức thu nhập cao hơn người kia? Trong trường hợp chồng có thu nhập cao hơn vợ, điều tối kỵ nhất là người chồng làm "quản gia" trong việc chi tiêu hàng ngày của gia đình. Còn trong trường hợp vợ có mức thu nhập cao, cũng hãy để người chồng cùng chia sẻ trách nhiệm, có như vậy người chồng mới tự tin, thoải mái và cảm thấy mình được vợ tôn trọng.