Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khủng bố lây lan

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nước Áo hiện tại đã giống hệt nước Pháp ít nhất trên hai phương diện. Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 đã hoành hành trở lại buộc chính phủ hai nước phải áp dụng những biện pháp hành chính quyết liệt nhất mà kết quả vẫn chỉ là cầm cự cho tới khi có được vaccine phòng ngừa dịch bệnh.

Thứ hai, ở cả hai nước cũng vừa xảy ra những vụ tấn công khủng bố mà thủ phạm là các phần tử Hồi giáo cực đoan. Cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lẫn Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đều coi đất nước mà họ trị vì bị chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tuyên chiến, đồng thời cũng đều có phát ngôn với thông điệp tuyên chiến với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Khủng bố đã lại trở thành vấn đề chính trị an ninh và xã hội thời sự ở châu Âu. Sự cọ xát, đối đầu giữa ý thức hệ phương Tây và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lại đang bộc lộ công khai, quyết liệt ở châu Âu. Nhìn vào thực trạng ấy không thể không thấy hai điều phủ bóng xuống tương lai của châu lục này. Thứ nhất, châu Âu lại trở thành một trong những chiến địa chính của cuộc đối địch giữa các nước thuộc khối phương Tây mà được đại diện bởi EU và NATO với các lực lượng, tổ chức, phần tử theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Châu Âu sẽ không còn được yên bình và an toàn nữa trước những hoạt động tấn công khủng bố của các phần tử, tổ chức và lực lượng Hồi giáo cực đoan. Thứ hai, trong chính sách đối nội, chính sách xã hội, đặc biệt trong quan điểm chính sách ở các nước châu Âu về đạo Hồi, về người theo đạo Hồi, về người tị nạn và nhập cư đến từ các quốc gia Hồi giáo hiện đang có những bất cập sâu sắc, thậm chí còn cả không ít sai lầm nghiêm trọng mà các nơi này không nhận ra hoặc quá coi thường. Những mâu thuẫn và căng thẳng, bất công và bất bình đẳng nội sinh trong đó chính là mảnh đất màu mỡ, điều kiện thuận lợi cho sự trỗi dậy, lây lan và thái cực hoá của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.