Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khung giá đất tăng, bất động sản có thể bị "thổi giá"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khung giá đất tại Hà Nội và TP.HCM có thể tăng gấp đôi vào năm 2015. Đây là Dự thảo Nghị định Bộ Tài nguyên Môi trường vừa công bố.

Mặc dù khung giá đất do Nhà nước ban hành chủ yếu áp dụng để thu thuế, xử phạt vi phạm hành chính, nhưng dư luận vẫn lo lắng về khả năng giá bất động sản có thể bị thổi giá theo.

Một dự án trung tâm thương mại giữa trung tâm Hà Nội đã từng gây sốc khi đền bù cho người dân tới 500 triệu/m2 đất, trong khi thực tế mức trần giá đất tại Hà Nội và TP.HCM tối đa là 81 triệu đồng/m2. Sắp tới, khung giá này có thể tăng lên tối đa là 162 triệu đồng/m2 (gấp đôi so với khung giá cũ).

Ông Lê Công Thuấn - Hoàn Kiếm, Hà Nội băn khoăn: "Tôi sợ các chủ đầu tư vin vào đó để tăng giá thị trường".

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Lo ngại của người dân là có cơ sở khi trên thực tế đã có những vụ việc giới kinh doanh BĐS lợi dụng sự thay đổi chính sách để đẩy giá lên. Nhưng theo ông Hoàng Văn Cường, một chuyên gia bất động sản, việc tăng khung giá đất bản chất không làm tăng giá đất trên thị trường. "Nhà nước tăng giá đất sẽ làm tăng tiền thuế của những người đang đầu cơ đất, họ sẽ phải tính xem có nên ôm nhiều đất không. Nếu không có lợi thì họ phải bán đi, làm cho cung tăng lên, giá BĐS giảm. Cho nên, nếu nói khung giá đất tăng làm giá thị trường tăng thì đó là đòn tâm lý, bị đầu cơ lợi dụng".

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Như Trung, đại diện một doanh nghiệp BĐS cho biết, khung giá đất tăng đúng là có ảnh hưởng lớn đến giá thành, giá vốn của doanh nghiệp, tức là chi phí để làm nên một sản phẩm BĐS bị đội lên. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường BĐS còn nhiều khó khăn hiện nay, doanh nghiệp phải rất cân nhắc trước bài toán tăng giá bán.

Ông Trần Như Trung - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh khẳng định: "Tôi không tin là doanh nghiệp dám tăng giá thời điểm này, dù có DN muốn lợi dụng điều này, đó là cách làm không thông minh".

Theo thống kê của một số công ty nghiên cứu BĐS, tỷ lệ thanh khoản của thị trường trong các quý vừa qua chỉ đạt khoảng 14%. Giá bán vẫn cao so với thu nhập của người dân, bởi vậy, nếu tăng theo khung giá đất, BĐS có thể phải đối mặt với nguy cơ thị trường đóng băng kéo dài.