Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khủng hoảng Boeing 737 MAX: Vì đâu nên nỗi?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ra đời từ cuộc đua sản xuất máy bay chở khách tiết kiệm nhiên liệu vô cùng khốc liệt, Boeing 737 MAX dường như đang trên đà trở thành thất bại đáng quên với "gã khổng lồ" hàng không Mỹ.

Loạt sai lầm chết người

Mở đầu năm mới 2024 không mấy vui vẻ đối với Boeing. Vào ngày 6/1 vừa qua, một máy bay của hãng hàng không Alaska Airlines dường như đã bị bung một phần thân khi đang bay ở độ cao hơn 4.000m. Máy bay gặp sự cố là Boeing 737 MAX 9 - một biến thể dòng MAX với khả năng bay lâu hơn và chở được nhiều hành khách hơn.

Điều tra sau đó phát hiện, thứ bị bung ra thực chất là một cánh cửa được ẩn trên phiên bản MAX này. 737 MAX 9 có các lối thoát hiểm tùy chọn giữa cánh và phía sau. Hai cửa thoát hiểm này là bắt buộc theo quy định an toàn đối với các tình huống khi máy bay hoạt động với sức chứa tối đa 220 hành khách.

Tuy nhiên, Alaska Airlines đã chọn mua một biến thể có cabin hành khách thoáng hơn và do đó không yêu cầu cửa thoát hiểm tùy chọn. Vì vậy, trong trường hợp này, Boeing đã bịt bớt cửa thoát hiểm, nên đối với hành khách ngồi bên trong máy bay, chúng sẽ trông giống như một cửa sổ hoặc một phần thân máy bay.

Mặc dù không ai bị thương trong sự cố hôm 6/1 của hãng Alaska Airlines, nhưng Boeing lại bị giám sát chặt chẽ, đặc biệt sau khi các cuộc thanh tra khác ngay sau đó đã phát hiện nhiều bu-lông lỏng lẻo trên một số máy bay 737 MAX.

Ảnh minh họa. Nguồn: India Today
Ảnh minh họa. Nguồn: India Today

Ngày 9/1, Giám đốc điều hành Boeing Dave Calhoun, người thay thế Dennis Muilenburg bị Boeing sa thải vào năm 2019, thừa nhận đã mắc "sai lầm". Động thái nhận trách nhiệm hiếm hoi của "gã khổng lồ" hàng không Mỹ này có thể là bài học rút ra từ thất bại năm 2018 - 2019, cũng xuất phát từ chính những rắc rối trên dòng 737 MAX.

Chiếc Boeing 737 MAX đầu tiên được đưa vào sử dụng vào tháng 5/2017. Nhưng chỉ hơn một năm sau, cái tên này trở thành thảm họa khi liên tiếp 2 máy bay chở khách Boeing 737 MAX bị rơi chỉ trong vòng 5 tháng, khiến 346 người thiệt mạng.

Chuyến bay 610 của hãng Lion Air rơi xuống biển Java gần Indonesia vào ngày 29/10/2018, khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng. Khoảng 5 tháng sau, chuyến bay 302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines bị rơi gần một thị trấn ở Ethiopia, khiến 157 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Các cuộc điều tra về cả hai vụ tai nạn đều đổ lỗi cho Hệ thống tăng cường đặc tính cơ động (MCAS). Hiểu một cách đơn giản, phần mềm này sẽ tự động đẩy mũi máy bay xuống khi cảm thấy nó đang hướng lên quá cao. Điều quan trọng là các phi công đã không được thông báo chính xác về phần mềm mới vì Boeing cho rằng MCAS chỉ đơn thuần là một hệ thống giúp máy bay phản lực MAX dòng mới này hoạt động giống như một chiếc 737 cũ.

Về cơ bản, trong cả hai vụ tai nạn của Lion Air và Ethiopian Airlines, những chiếc máy bay Boeing 737 MAX đều "tự động cảm thấy" rằng nó đang bay với mũi quá cao. Vì vậy, máy tính trên máy bay đã cố gắng khắc phục điều này bằng cách đưa mũi máy bay hướng xuống.

Đây là một tình huống kinh hoàng đối với cả hai nhóm phi công xấu số. Theo điều tra, những phi công này có khả năng đã cố gắng ổn định máy bay của họ để chống lại hệ thống MCAS - bị lỗi dữ liệu mà đẩy mũi máy bay xuống và đưa máy bay đi ngược lại với hướng mà các phi công đã dự định. Đáng buồn là trong cả hai "cuộc chiến" với máy móc đó, con người đã thất bại.

Hệ quả từ cuộc đua khốc liệt

Boeing 737 MAX ra đời từ sự cạnh tranh khốc liệt. Đây là thế hệ thứ tư của dòng 737, được kỳ vọng sẽ là đối chọi được với dòng A320, được phát triển bởi đối thủ châu Âu của Boeing là Airbus. Hai dòng đối thủ này hiện chiếm thị phần lớn trong số máy bay chở khách một lối đi hoặc thân hẹp trên thế giới, phổ biến đối với nhu cầu máy bay thương mại lúc này.

Năm 2010, Airbus đã đánh bại Boeing bằng việc trình làng chiếc A320neo. Chiếc máy bay mới đi kèm với tùy chọn động cơ mới, và quan trọng nhất là mang lại khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn đáng kể so với cả chiếc A320 trước đó hay đối thủ cạnh tranh sau đó là Boeing 737 NG.

Không bất ngờ khi các nhà khai thác hàng không, vốn coi nhiên liệu là một trong những chi phí hoạt động hàng đầu, lại hứng thú với A320neo đến vậy. Điều này đã được chứng minh tại Triển lãm Hàng không Paris 2011, nơi Airbus đã đạt được kỷ lục 667 đơn đặt hàng cho chiếc máy bay chở khách hoàn toàn mới của mình.

Đối đầu với một đối thủ cạnh tranh đã tung ra loại máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn và đang dần xây dựng được lượng lớn đơn đặt hàng, Boeing quyết định thay đổi chiến lược.

Boeing 737 MAX đã ra đời, với thông báo của công ty vào cuối năm 2011, tức chỉ vài tháng sau Triển lãm Hàng không Paris.

Thay vì chế tạo một chiếc máy bay hoàn toàn mới sẽ tốn nhiều thời gian, Boeing đã quyết định "tái chế" trên khung máy bay 737 hiện có của mình - được nhận định là cốt lõi dẫn đến những thỏa hiệp về thiết kế có thể đã góp phần gây ra hai vụ tai nạn hồi năm 2018 và 2019.

Việc hàng loạt quốc gia dừng bay 737 MAX vào năm 2019 đã giúp Airbus nâng cao vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực máy bay phản lực một lối đi. Người châu Âu cũng đã tận dụng thời điểm khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung buộc Boeing phải tạm dừng giao hàng cho Trung Quốc, khiến các đơn đặt hàng của Trung Quốc bị gián đoạn kéo dài.

Mặt khác, Airbus cũng không có gì phải lo lắng về khả năng Boeing sẽ coi khó khăn là động lực để phát triển dòng máy bay thế hệ mới.

Theo Bloomberg, Boeing được cho đã trì hoãn việc chế tạo một loại máy bay tầm trung để cạnh tranh với phiên bản tầm xa của A321, vì các giám đốc điều hành lo ngại nó sẽ không mang lại những cải tiến đáng kể về hiệu quả sử dụng nhiên liệu xứng đáng với khoản đầu tư lớn. Ngoài ra, tình hình tài chính của Boeing cũng đang vô cùng tồi tệ: tài sản ròng âm gần 17 tỷ USD và nợ ròng 39 tỷ USD.

Sâu xa, chính việc ưu tiên lợi nhuận các nhà đầu tư thay vì đầu tư vào chất lượng và khả năng phục hồi được cho là nguyên nhân khiến Boeing gặp rắc rối. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, "gã khổng lồ" Mỹ đã chi khoảng 44 tỷ USD để mua lại cổ phần từ năm 2013 đến năm 2019, trong khi Airbus luôn thận trọng hơn nhiều và có thể tìm ra những cách sử dụng tiền mặt khác, bao gồm cả việc mua lại.

Cổ phiếu của Airbus đã bù đắp được tất cả những tổn thất do đại dịch Covid-19 gây ra ngay cả khi năng suất vẫn ở dưới mức tối ưu do công ty đã thuê thêm hàng nghìn nhân công để nâng cao khả năng phục hồi của ngành sản xuất. Cổ phiếu của hãng đã chạm mức cao kỷ lục hôm 9/1, giữa rừng thông tin tiêu cực về đối thủ Boeing.