Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khủng hoảng công nghiệp đồ uống

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tác động kép của đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của một số cơ chế chính sách, đặc biệt là Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã khiến ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát rơi vào tình trạng khó khăn. Đây là xu hướng vừa đáng mừng vừa đáng lo, tùy theo góc nhìn.

Dây chuyền sản xuất bia Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Doanh nghiệp bia, rượu lao đao
Liên tục trong quý I và quý II/2020, các DN bia, rượu sụt giảm doanh thu.

Công ty CP Bia rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - một trong những DN đầu ngành sau 6 tháng đầu năm liên tục giảm lãi so với cùng kỳ năm trước thì quý III/2020, tình hình kinh doanh đã sáng sủa hơn. Sabeco báo lãi 1.479 tỷ đồng trong quý III, tăng nhẹ so với số lãi 1.460 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái dù doanh thu sụt giảm 17% xuống còn 8.052 tỷ đồng… Tại Habeco - Tổng Công ty Bia rượu - Nước giải khát Hà Nội, kết quả kinh doanh lỗ 98,3 tỷ đồng ngay trong quý I/2020. Habeco cho biết, do ảnh hưởng lớn từ tác động kép của quy định về sử dụng rượu, bia và đại dịch Covid-19 dẫn tới sản lượng tiêu thụ sụt giảm so với cùng kỳ. Sau hai quý lỗ, sang quý III, tình hình kinh doanh của Habeco đã sáng hơn. Habeco công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 với doanh thu thuần 2.720 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây chỉ là hai trong số rất ít DN ngành bia rượu và đồ uống có thể phục hồi và có lãi trong thời gian vừa qua. Đại đa số các DN kinh doanh ở lĩnh vực này, đặc biệt là các DN nhỏ đã rơi vào cảnh thua lỗ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt, những năm qua, ngành bia rượu đã cung cấp một lượng lớn sản phẩm, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó là huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, giải quyết hàng triệu lao động, trong đó có hàng trăm ngàn việc làm trực tiếp và khoảng 6 - 10 lần số lượng việc làm từ các hoạt động trong chuỗi cung ứng. Hàng năm, ngành này đóng góp trên 60.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước; đóng góp cho công tác an sinh, xã hội; tuyệt đối tuân thủ và thực hiện tốt các quy định pháp luật của cơ quan Nhà nước… Tuy nhiên, sản lượng bia năm 2020 giảm từ 10 - 20% dẫn đến thất thu ngân sách đáng kể.

Còn theo Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành bia rượu chịu sự điều chỉnh của rất nhiều loại thuế, trong đó có thuế môn bài, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ doanh nghiệp, thuế tiêu thụ cá nhân, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế bảo vệ môi trường… Năm 2019, trong số 60.000 tỷ đồng nộp thuế của toàn ngành, riêng 4 “ông lớn” Heineken, Sabeco, Habeco, Carlsberg đã nộp tới 49.595 tỷ đồng, chiếm 80% tổng số. Tuy nhiên, trong 10 tháng từ đầu năm 2020 đến nay, số nộp ngân sách Nhà nước của 4 DN lớn nói trên chỉ đạt 39.111 tỷ đồng.

Đi tìm lối ra

Trước thực trạng này, VBA đã có công văn gửi Thủ tướng cùng các bộ, ngành nhằm kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành bia, rượu, nước giải khát.

VBA đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét giảm một số loại thuế, phí trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để tạo điều kiện cho các DN ngành bia rượu, nước giải khát và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đề nghị Chính phủ hoãn đề xuất tăng các loại thuế trong thời gian dịch Covid-19 đang “hoành hành” để các DN ổn định, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần ngăn chặn các sản phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, Chính phủ có chính sách hỗ trợ khuyến khích các DN và các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sản xuất các sản phẩm có độ cồn thấp hoặc không có độ cồn để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phù hợp với quy định của pháp luật và góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa ẩm thực của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA cho rằng, Nhà nước, Tổng cục Thuế cần xem xét, nghiên cứu, đánh giá để có giải pháp quản lý hài hòa. “Chúng tôi có gửi văn bản kêu cứu bởi rượu bia cũng là một ngành nhưng khi khó khăn, có tới 98% DN Việt Nam được hỗ trợ, còn 2% DN không được hỗ trợ, trong đó có DN rượu bia” - ông Việt nói. Cũng theo ông Nguyễn Văn Việt, đối với Nghị định 100/CP, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 0,05% là mức giới hạn nồng độ cồn cho phép với tài xế phổ biến ở nhiều quốc gia. Một số nước như Na Uy, Ba Lan và Thụy Điển có giới hạn thấp hơn là 0,02%. Nga cũng quy định nồng độ cồn cho phép là 0,02%. Do đó, VBA đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn để phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam và thông lệ quốc tế… Bên cạnh đó, một hướng đi chiến lược cho ngành này cũng là một vấn đề bức thiết hiện nay.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng, hiện tại Quốc hội, Chính phủ chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh thuế đối với ngành bia, rượu, nước giải khát. Về việc bình đẳng thuế, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, sản phẩm trong nước và nhập khẩu hiện nay không có sự phân biệt. Tới đây, cơ quan thuế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu tập hợp, các DN chưa được khấu trừ thuế hay chậm nộp thuế cũng sẽ được cơ quan thuế cung cấp thông tin để thực hiện hoàn tất thủ tục kê khai và nộp thuế, giảm trừ thuế…
Theo Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) Phùng Hoàng Cơ, Covid-19 và Nghị định 100 đã ảnh hưởng đến thị trường rượu bia. Tuy nhiên, có một điểm sáng trên thị trường, đó là bia không cồn của Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam. Đây là sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu cho các đối tượng lái xe, các DN cũng nên tham khảo. Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia rượu, trong khi chờ các quyết sách của Chính phủ thì thời gian tới, các DN cần xem xét gia tăng sản phẩm thay thế hỗ trợ, các sản phẩm sạch, hữu cơ. Bên cạnh đó, cần thay đổi về vấn đề chuyển đổi số, tiếp cận người dùng, tái cấu trúc mạng lưới phân phối, tiếp cận khách hàng.
Nhiều năm nay, song song với lĩnh vực thực phẩm - ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và nhiều tiềm năng. Theo ước tính của Bộ Công Thương, mức tiêu thụ hàng năm của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm được dự báo là 6%, ngành công nghiệp đồ uống là một trong những ngành hàng tiêu dùng tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam, nhưng cũng chịu sự chi phối và kiểm soát của Nhà nước với các chính sách thắt chặt, nổi bật nhất là lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Hoàng Quang Phòng