Khủng hoảng kinh tế đe dọa nỗ lực giảm đói nghèo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hội nghị CSD kêu gọi các nước thực thi các biện pháp bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong khủng hoảng kinh tế và không để cuộc chiến chống đói nghèo chậm lại trước những tác động bất lợi của suy thoái kinh tế.

Ngày 6/2, Hội nghị thường niên của Ủy ban Phát triển xã hội (CSD) của Liên hợp quốc cảnh báo, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang đe dọa các nỗ lực giảm đói nghèo trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh vai trò trung tâm của việc làm có chất lượng và mạng lưới an sinh xã hội đối với thách thức đa chiều cả về kinh tế và xã hội này.

Hội nghị CSD kêu gọi các nước thực thi các biện pháp bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong khủng hoảng kinh tế và không để cuộc chiến chống đói nghèo chậm lại trước những tác động bất lợi của suy thoái kinh tế. 

Ngân sách cho các chương trình phát triển xã hội cần được duy trì, đảm bảo các dự án thuộc lĩnh vực này luôn đóng vai trò quyết định trong xóa đói giảm nghèo nhằm phá vỡ vòng luẩn quẩn đói nghèo xuyên thế hệ. 

Ngoài ra, cần tránh việc cắt giảm nguồn tài chính bảo hiểm xã hội vì điều này sẽ tác động tiêu cực đến việc làm, y tế và giáo dục, dẫn tới khủng hoảng xã hội quy mô lớn và kéo dài hơn.

Hội nghị CSD nhấn mạnh, mối tương quan giữa chi phí xã hội cao và tỷ lệ nghèo đói thấp. Tạo việc làm phối hợp với các biện pháp bảo hiểm xã hội là những nhân tố cơ bản để bảo vệ các gia đình nghèo trước các cơn sốc kinh tế. 

Tuy nhiên, hiện vẫn có 75% dân số thế giới không được hưởng các lợi ích từ những dịch vụ bảo hiểm xã hội thích hợp, nhưng các nghiên cứu của Liên hợp quốc cho thấy các chương trình bảo hiểm xã hội có thể thực hiện hiệu quả ở hầu hết các nước. 

Thế giới không thể chấp nhận 20% dân số nghèo nhất chỉ sở hữu 1% tổng thu nhập toàn thế giới, trong khi 1% dân số giàu có nhất chiếm tới 14% tổng thu nhập.

Hội nghị CSD kêu gọi thúc đẩy nhu cầu khẩn cấp tái tập trung các nỗ lực vào phát triển xã hội và dành ưu tiên cao nhất cho giảm đói nghèo trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Thế giới cần phối hợp hành động trong nỗ lực giảm đói nghèo nhằm đạt tới tăng trưởng bền vững. 

Ngoài ra, các nước cần cải tổ hệ thống an sinh xã hội để chương trình bảo hiểm y tế đến được với người nghèo ở nông thôn và những người nghèo làm việc trong các khu vực không chính thức của nền kinh tế./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần