Khủng hoảng năng lượng đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều khu vực trên thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng do nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu tăng mạnh sau đại dịch Covid-19. Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng năng lượng đã đẩy giá khí đốt, giá than, điện và dầu mỏ tăng kỷ lục tại nhiều châu lục, từ châu Âu, châu Á tới Nam Mỹ.

Công nhân vận hành hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại Belarus. Ảnh: Getty  
Công nhân vận hành hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại Belarus. Ảnh: Getty  

Cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ

Giá khí đốt tự nhiên, dầu mỏ, than đá và các nguồn năng lượng khác đều tăng vọt trong năm nay trên toàn thế giới. Nhiều cường quốc kinh tế như Mỹ, Trung Quốc và Anh đều “đau đầu” đối phó với tình trạng khan hiếm năng lượng. Tại Trung Quốc, giải pháp cắt điện luân phiên đã được triển khai trong khi tại Ấn Độ, các nhà máy điện đang ráo riết tìm nguồn cung than đá. Tình trạng thiếu năng lượng cũng đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Trung Quốc.

Tại châu Âu, giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn 400% kể từ đầu năm. Vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng hồi tháng 10, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã nhảy vọt lên mức 160 bảng Anh/megawatt-giờ, tăng 750% so với đầu năm 2021, trong khi giá than cũng leo dốc tới 400%.

Cùng với đà tăng sốc của giá khí đốt, giá điện ngắn hạn tại châu Âu cũng ghi nhận mức cao kỷ lục trong năm nay. Tại Pháp, giá điện giao hôm 20/12 đã tăng lên mức cao nhất kể từ mức tăng đột biến hiếm có vào năm 2009, trong khi giá điện ở Đức cũng chứng kiến mức cao kỷ lục thứ ba tại nước này. Trong tháng cuối cùng của năm nay, châu Âu tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng khi thời tiết trở nên băng giá hơn, đẩy nhu cầu năng lượng lên cao hơn trong khi nguồn cung không thể theo kịp.

Giá khí đốt tại châu Âu đã thiết lập mức cao nhất mọi thời đại khi vượt mức 2.100 USD/1.000 m3 trong phiên giao dịch ngày 21/12. Dự trữ khí đốt của châu Âu hiện chỉ lấy đầy được 70% - mức thấp nhất trong gần một thập kỷ. Đồng thời, các dòng khí đốt tự nhiên bổ sung từ Nga vẫn chưa thành hiện thực, khi dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 vẫn phải chờ giấy phép từ EU.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại, hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục, nhu cầu năng lượng tăng “nóng” gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng khí đốt tại châu Âu và Trung Quốc, buộc một số công ty điện chuyển sang chạy dầu thay khí, khiến giá dầu tăng chạm đỉnh nhiều năm. Vào tháng 10, giá dầu Brent đã thiết lập mức tăng kỷ lục lên 86,17 USD/thùng và giá dầu WTI nhảy vọt lên 83,26 USD/thùng, tăng khoảng 65% kể từ đầu năm.

Nhằm giải bài toán thiếu hụt nguồn cung “vàng đen” toàn cầu, hồi tháng 11 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch xuất 50 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) để hạ nhiệt giá dầu. Theo thông báo của Tổng thống Biden, khoảng 32 triệu thùng dầu từ SPR sẽ được cấp cho các công ty dầu mỏ dưới dạng khoản vay và những công ty này sẽ hoàn trả lại chính phủ trong tương lai. Số còn lại sẽ được ủy quyền bán theo một đạo luật được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Quyết định giải phóng SPR được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc kiềm chế đà tăng kỷ lục của giá nhiên liệu.

Quyết định này cũng đánh dấu lần đầu tiên trong hai thập kỷ một tổng thống Mỹ chọn sử dụng nguồn dự trữ này để điều chỉnh giá năng lượng thay vì giải quyết sự gián đoạn nguồn cung. Ngoài quyết định xuất 50 triệu thùng dầu từ SPR, người đứng đầu Nhà Trắng cũng lần đầu tiên đề nghị Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản mở kho dự trữ dầu.

Sức ép với đà phục hồi mong manh của kinh tế toàn cầu

Đợt thiếu hụt năng lượng này có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường đối với kinh tế thế giới. Giá khí đốt và xăng dầu tăng cao có thể kéo theo lạm phát. Thiếu điện khiến sản xuất đình trệ, gây thêm rủi ro mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã có nhiều nút thắt do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Những tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng có thể trở thành lực cản với đà phục hồi mong manh của nền kinh tế thế giới sau đại dịch.

Tại Mỹ, các chuyên gia nhận định cú sốc từ giá năng lượng không chỉ gây sức ép đến tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Do giá dầu tăng kỷ lục, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chi trả nhiều tiền hơn cho chi phí xăng dầu, sưởi ấm và tiền điện trong mùa đông này. Mặc dù đã hạ nhiệt trong những tuần gần đây, giá dầu hiện đã tăng hơn 50%, còn giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn 112% kể từ đầu năm đến nay. Anwiti Bahuguna, người đứng đầu chiến lược tài sản tại Columbia Threadneedle cảnh báo: "Chúng tôi từng dự báo mức tăng trưởng GDP từ 4-6% trong quý cuối cùng năm nay, song nền kinh tế Mỹ đang đối mặt mức tăng trưởng âm vào quý IV/2021 do giá xăng dầu đã tăng gần 3 lần”.

Các chuyên gia lo ngại rằng giá khí đốt tăng cao sẽ khiến quá trình phục hồi kinh tế tại châu Âu gặp nhiều rủi ro. Ông Henning Gloystein, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng thuộc Eurasia Group, cho biết giá năng lượng tăng cao có thể buộc người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu và điều này đặt ra trở ngại đối với sự phục hồi kinh tế của các nước châu Âu.

“Nếu các doanh nghiệp buộc phải thu hẹp hoạt động để giảm tiêu thụ điện, nền kinh tế cũng chịu thiệt hại. Đang có nhiều lo ngại rằng giá khí đốt tăng cao sẽ đặt sự phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 ở châu Âu vào tình thế rủi ro”, chuyên gia Gloystein cho hay. Theo dữ liệu của cơ quan thống kê EU, do giá năng lượng tăng mạnh, lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tháng 10/2021 đã nhảy vọt 4,1%, thiết lập mức cao nhất trong 13 năm.

Nghiêm trọng hơn, tổ chức phi chính phủ về môi trường Friends of the Earth cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại, cùng với những tác động từ đại dịch Covid-19, có thể khiến 80 triệu người châu Âu phải lựa chọn giữa việc dành chi phí cho việc sưởi ấm hay mua thực phẩm trong mùa đông năm nay. Hiện có khoảng 31 triệu người châu Âu đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng năng lượng khi không có đủ tiền để trang trải chi phí sưởi ấm, theo số liệu của Eurostat được Ủy ban châu Âu trích dẫn trong báo cáo Liên minh Năng lượng Nhà nước năm 2021.

Ở Trung Quốc, tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng, lần đầu tiên xuất hiện tại nước này, có thể còn lớn hơn, khi nhu cầu trên toàn cầu đối với các sản phẩm của công xưởng sản xuất của thế giới tăng đột biến trong năm nay. Tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ở quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới không chỉ làm chậm đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, mà còn tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng, có nguy cơ làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu vốn đang vật lộn để vượt qua khủng hoảng Covid-19.

Cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khi các quốc gia vừa phải kiềm chế lạm phát trong bối cảnh khôi phục kinh tế sau Covid-19, vừa phải quan tâm đến sự dịch chuyển khỏi các nhiên liệu hóa thạch, hướng đến bảo vệ môi trường. Tình trạng thiếu hụt năng lượng là lời cảnh báo về việc thế giới vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, cũng như tiếp tục đối mặt nhiều thách thức để giải bài toán ổn định năng lượng và phát triển bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần