Khủng hoảng nợ công đang "rình rập" nước Pháp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chênh lệch lãi suất càng cao, gánh nặng nợ nần của Pháp càng lớn. Nếu chênh lệch chỉ là 1 điểm thì Chính phủ Pháp đã phải chi thêm 3 tỷ euro/năm cho các chủ nợ. Nhìn dước góc độ đó, Moody’s cho rằng, trong tương lai Pháp sẽ phải vay tín dụng với lãi suất ngày càng cao.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cảnh báo chỉ số tín nhiệm của tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay và nguy cơ vỡ nợ hàng loạt ở các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) không còn xa vời. Tiếng chuông cảnh báo cũng đã bắt đầu rung lên ở Pháp.

Chật vật giữ hạng tín nhiệm "vàng" AAA

Trong con mắt của các nhà đầu tư, Pháp đang bị loại khỏi câu lạc bộ với khá ít thành viên còn giữ được hạng tín nhiệm vàng "AAA"- chìa khóa mở ra “kho bạc” khi nhà nước cần huy động vốn.

Các chuyên gia cho rằng, Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone - đang nằm trong "vòng nguy hiểm" khi phí tổn vay mượn của Paris đã tăng tới mức được xem là "không thể chống đỡ nổi." Thực tế, chênh lệch lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giữa Pháp và Đức đang ngày càng nới rộng ở mức chưa từng có.

Hiện lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Pháp là 3,46%, cao gấp đôi so với Đức - nền kinh tế được coi là vững mạnh nhất của khối Eurozone hiện tại. Điều đó cho thấy giới đầu tư đang lảng tránh trái phiếu chính phủ Pháp để chuyển hướng đầu tư sang nguồn trái phiếu chính phủ an toàn hơn nhiều của Đức.

Chênh lệch lãi suất càng cao, gánh nặng nợ nần của Pháp càng lớn. Nếu chênh lệch chỉ là 1 điểm thì Chính phủ Pháp đã phải chi thêm 3 tỷ euro/năm cho các chủ nợ. Nhìn dước góc độ đó, Moody’s cho rằng, trong tương lai Pháp sẽ phải vay tín dụng với lãi suất ngày càng cao.

Cựu cố vấn Tổng thống Pháp, đồng thời từng là người đứng đầu Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu, Jacques Attali, nhận định: "Chúng ta không nên ảo tưởng. Trên thị trường tài chính, Pháp đã đánh mất mức xếp hạng tín dụng cao nhất AAA. Nếu so với mối tương quan lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Đức, thì xếp hạng tín dụng nợ của Pháp thực tế chỉ ở mức AA."

Câu hỏi đặt ra là liệu đến khi nào thì trên giấy tờ Pháp sẽ chính thức bị hạ điểm. Theo nhiều nhà quan sát, điều đó có thể xảy ra trước hoặc sau cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Nếu đúng như vậy đó sẽ là đòn mạnh giáng vào uy tín của Tổng thống Nicolas Sarkozy trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 5/2012, cũng như nỗ lực của các nhà lãnh đạo châu Âu trong cuộc chiến bảo vệ đồng euro.

Trước mối lo mất hạng tín nhiệm vàng mà nhiều nước đang khao khát, Chính phủ Pháp trong chưa đầy ba tháng đã công bố hai kế hoạch khắc khổ. Nhưng giới đầu tư và tài chính cho rằng, động thái đó không đủ sức giúp Pháp đảo ngược tình thế. Nói cách khác, áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng không bảo đảm cho quốc gia có được chiến lược phát triển lâu bền. Dù rằng việc áp dụng là cần thiết vì không một nước nào có thể phát triển lành mạnh với một khoản nợ khổng lồ. Nhưng bên cạnh việc siết lại các khoản chi tiêu và tăng thuế, cần quan tâm đến tăng trưởng mà bằng chứng là Moody's dọa hạ điểm tín nhiệm của Pháp, vì chưa nhìn thấy một tương lai tương sáng gần kề.

Cho dù hoan nghênh Chính phủ Pháp đã có những nỗ lực để giảm bớt nợ công, thu hẹp thâm hụt ngân sách đang từ 7,1% GDP trong tài khóa 2010 xuống 3% vào năm 2013 nhờ kế hoạch cắt giảm chi tiêu hơn 17 tỷ euro trải dài trong giai đoạn 2012 -2016, nhưng Moody’s vẫn hoài nghi khả năng thực hiện chính sách an sinh xã hội tốn kém trong bối cảnh tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cứ thu hẹp lại dần.

Theo một chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Deustch Bank của Đức, mức độ thắt lưng buộc bụng của Pháp dựa trên triển vọng tăng trưởng kinh tế là 1% năm 2012, một tỷ lệ “vẫn còn lạc quan” trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay của khu vực, GDP của Pháp có thể sẽ chỉ tăng 0,3%. Như vậy, kế hoạch đó mới chỉ là một nửa nỗ lực cần phải có để giúp Pháp đưa được thâm hụt ngân sách xuống mức dự kiến.

Để giải quyết thâm hụt ngân sách, Pháp cần tiết kiệm 75 tỷ euro trong 3 năm với điều kiện là GDP tăng 2%.

Trong giả thuyết tốc độ tăng trưởng thấp hơn, tức là nguồn thu từ thuế sẽ giảm, Chính phủ phải tìm kiếm thêm 100 tỷ euro để giải quyết thâm hụt ngân sách trong 3 năm liên tiếp, 2011- 2012 và 2013. Nhưng Pari mới chỉ dự tính tiết kiệm 14 tỷ euro trong năm nay và nâng lên 20 tỷ euro vào năm tới. Đánh giá kế hoạch thắt lưng buộc bụng của Pháp, cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách các vấn đề kinh tế, Olli Rehn, cảnh báo: "Tới năm 2013 càng cần nhiều biện pháp hơn nữa để điều chỉnh tình trạng thâm hụt quá mức."

Nợ công gõ cửa

Báo chí Pháp đã liên tục gióng lên các hồi chuông cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai Liên minh châu Âu (EU) với tiêu đề "Sau Hy Lạp và Italy, liệu có đến Pháp?," đồng thời báo động nợ công của Pháp đã chạm ngưỡng 1.700 tỷ euro, chỉ thấp hơn một chút so với 1.900 tỷ euro của Italy. Nhưng tình hình nợ công của Pháp có phần còn rủi ro hơn bởi chính phủ Italy phần lớn mắc nợ các nhà đầu tư trong nước, trong khi đó Pháp lại chủ yếu vay nợ nước ngoài. Vì vậy, Pháp rất dễ tổn thương một khi thị trường tài chính quốc tế có biến động mạnh.

Thực ra, không riêng Pháp mà nhiều thành viên Eurozone đều phải giải quyết chung một bài toán: hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 vẫn chưa được hoàn toàn khắc phục; tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn èo uột; châu Âu nói chung và Eurozone nói riêng đang đau đầu về khủng hoảng nợ công của nhiều thành viên. Các động cơ tăng trưởng bị chững lại. Nguồn thu từ thuế giảm, kéo theo sự mất cân bằng trong thu chi ngân sách và các quỹ an sinh xã hội ngày càng lớn. Để tài trợ cho các khoản đó và thúc đẩy kinh tế chính phủ phải đi vay.

Theo ông Jacques Attali, điều quan trọng nhất là bất kỳ một nước nào khi đi vay cũng phải trấn an các nhà đầu tư. Đối với Pháp, phải trấn an được các chủ nợ đang nắm trong tay một khoản tiền tương đương với 85% GDP. Nhưng cho tới nay họ nhận thấy Pháp chưa thực sự trấn an được giới đầu tư về nỗ lực giải quyết nợ công hay thâm hụt ngân sách nhà nước.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần