Khủng hoảng sản xuất dư thừa và hệ lụy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như cách đây vài năm, người nào nói tới chuyện không cần làm mà vẫn có lương thì chắc sẽ bị coi là điên, là người lãng mạn không tưởng.

Tuy nhiên, cuộc trưng cầu về sáng kiến “trợ cấp toàn dân” tại Thụy Sỹ hôm 5/6 cho thấy, câu chuyện kia không hoàn toàn là chuyện hoang đường.

Thời của tiền “giá rẻ”

Một năm trước, khi mô tả cuộc khủng hoảng hiện nay, các nhà kinh tế học luôn gắng tránh nhắc tới thuật ngữ “sản xuất dư thừa”. Nhưng nay, khi họ đã bắt đầu dùng thuật ngữ đó để mô tả những gì đang xảy ra với nền kinh tế thế giới thì một thực tế mới đã xuất hiện. Lãi suất cho vay âm đã được các ngân hàng ở Thụy Điển, Nhật Bản, Thụy Sỹ áp dụng, trong khi Ngân hàng T.Ư châu Âu cũng áp dụng một phần. Điều đáng nói là, ngân hàng T.Ư cổ nhất thế giới - Ngân hàng “Riksbank” của Thụy Điển là nhà băng đầu tiên áp dụng chính sách lãi suất âm. Và cũng chính tại quốc gia này, lần đầu tiên một ngân hàng thương mại đã phải trả thêm tiền cho một ngân hàng thương mại khác vì đã sử dụng tiền của mình.
Bỏ phiếu về sáng kiến “trợ cấp toàn dân” tại Thụy Sỹ.
Bỏ phiếu về sáng kiến “trợ cấp toàn dân” tại Thụy Sỹ.
Thời đại lãi suất cho vay thấp bắt đầu từ năm 2006, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất xuống chỉ còn 0,25% và triển khai chương trình giảm nhẹ kiểm soát số lượng tiền in ra. Điều này được áp dụng trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đà tăng trưởng bị giảm đột ngột. Bằng cách này, FED muốn khuyến khích tiêu dùng dựa vào lãi suất thấp, tăng khối lượng tiền đưa vào lưu thông và đẩy lạm phát lên cao. Sau Mỹ đến lượt châu Âu và Nhật Bản cũng cho áp dụng chính sách tương tự. Khi đó, nhiều người đã cảnh báo rằng, với số lượng lớn tiền “rẻ” như vậy, nguy cơ lạm phát, thậm chí siêu lạm phát là rất cao.

Tuy nhiên, mặc cho các máy in tiền làm việc suốt 9 năm nay, lạm phát vẫn không hề nhúc nhích. Khi lạm phát hướng về số không, tệ hơn nữa là về âm thì số vốn đã đầu tư sẽ mất giá và dẫn đến sự phá vỡ nguyên tắc “tiền đẻ ra tiền” mà Napoleon Hill đã chỉ ra. Có điều, với lượng tiền rẻ và dễ tiếp cận như vậy, tại sao người tiêu dùng không tăng vay để mua thêm hàng hóa?

Có một giả thuyết cho rằng, người tiêu dùng không vay thêm, thậm chí còn cắt giảm chi tiêu do lo ngại tình hình kinh tế của họ xấu đi (nguy cơ bị sa thải, không có nguồn thu thêm…). Tuy nhiên, kinh nghiệm từ Nhật Bản - nơi có mức lương cao bậc nhất, tỷ lệ thất nghiệp thấp, chế độ an sinh xã hội cao, cho thấy sự giảm phát vẫn duy trì trong suốt thời gian gần 25 năm nay. Không có chương trình giảm nhẹ kiểm soát lượng tiền nào có thể đẩy lạm phát lên.

Chuyện gì đang xảy ra?

Công nghệ ngày càng phát triển và càng trở nên rẻ, việc dùng robot thay cho lao động chân tay đã làm cho chi phí sản xuất ngày càng giảm bớt, và thời gian và chi phí tạo ra sản phẩm mới cũng giảm. Thêm vào đó, bản thân các sản phẩm cũng bị sao chép gần như là đồng thời và nhân rộng với giá thành còn rẻ hơn nữa. Kết quả là hàng hóa ngày càng rẻ, tràn ngập thị trường, tức là xảy ra hiện tượng sản xuất dư thừa.

Trong hoàn cảnh đó, số tư bản đầu tư để sản xuất ra một loại hàng hóa nào đó, hoặc nhằm tạo ra sự độc quyền sẽ không còn đạt được mục tiêu là tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, cũng không mang lại giá trị thặng dư cao nhất nữa. Thêm vào đó, bản thân những người tiêu dùng cũng không thể duy trì được mức “cầu” vì những hàng hóa cần thiết để đảm bảo cuộc sống của họ đã đủ, thậm chí còn quá đủ.

Kết quả là số tiền được in ra để thực hiện chức năng của chúng, cụ thể là cho vay để nhận lãi hoặc để trả công lao động hóa ra không còn cần thiết nữa. Và cũng vì tiền đã quá rẻ, việc kiếm tiền trở thành hoạt động không có lợi, do đó cần phải giảm bớt công việc, giảm bớt thời gian làm việc hoặc là đem tiền đi phát không.

Điều này chúng ta đã thấy ở Thụy Điển, nhiều hãng đã bắt đầu giảm 20% tuần làm việc, trong khi ở Thụy Sỹ người ta đang có kế hoạch trả cho mỗi công dân một món tiền cho đến hết đời, dù cho người đó có làm việc hay không. Điều đó có nghĩa là để đủ sống, người ta không cần làm việc nữa, lao động sẽ trở thành việc tự nguyện của con người. Việc tiền mất giá, giảm phát, mất khả năng tái phân phối giá trị thặng dư sẽ dẫn đến cổ phiếu công ty mất giá trên thị trường chứng khoán, các công ty lại phải bỏ tiền ra mua cổ phiếu của chính mình. Và đó là thực tế đang xảy ra trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Cũng như vậy, trong điều kiện giá trị thặng dư trở về số không, thậm chí sẽ thành số âm như lãi suất âm thì sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. Trong khi đó, do công nhân có thể không cần làm việc, sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề, điều này dẫn đến việc các công ty bắt đầu trả cổ phiếu dưới dạng phần thưởng - cuối cùng công ty sẽ thuộc về sở hữu của người lao động.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần