Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khủng hoảng tại Hy Lạp: Nền kinh tế èo uột càng khó cứu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vào những giờ cuối của ngày 7/11, các nhà lãnh đạo Hy Lạp đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán để thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc, nhằm giúp cho nước này tránh khỏi nguy cơ sụp đổ vì vỡ nợ.

Mong manh

Trước đó, cuộc đàm phán lần đầu đã đổ vỡ khi Đảng Syriza đối lập chủ chốt tại Hy Lạp tẩy chay cuộc gặp giữa Tổng thống Carolos Papoulias với lãnh đạo tất cả các chính đảng trong nước để thành lập Chính phủ liên minh mới sau khi Thủ tướng George Papandreou chấp nhận từ chức để cứu nền kinh tế nước này. Mặc dù việc nối lại đàm phán là tín hiệu tốt lành, thắp lên nhiều hy vọng, nhưng khả năng giải cứu Hy Lạp vẫn mong manh bởi thực tế hiện vẫn tồn tại nhiều mối nguy rình rập. 

Tình hình càng thêm khẩn cấp, khi Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos cùng ngày 7/11 gặp những người đồng cấp trong khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tại Bỉ. Các nước này cảnh báo sẽ không cho Hy Lạp vay thêm đồng nào, nếu Athens còn mập mờ trong việc thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" như đã cam kết. Ông Olli Rehn, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách về kinh tế và tiền tệ, cho biết các nước châu Âu sẽ chuẩn bị nhiều kịch bản, kể cả khả năng Hy Lạp ra khỏi Eurozone. Thủ tướng Bỉ Yves Leterme tuyên bố, người Hy Lạp phải chứng minh rằng họ thực sự tuân thủ các điều kiện đã đặt ra. Nhật báo Kathimerini gọi đó là "một sự mặc cả trên boong tàu Titanic".

Trước đó, tại cuộc gặp ngày 6/11 giữa Tổng thống Carolos Papoulias, Thủ tướng Papandreou và ông Samaras, các bên đã đạt thỏa thuận chia sẻ quyền lực nhằm thành lập chính phủ liên minh đoàn kết dân tộc để đưa Hy Lạp thoát khỏi bờ vực vỡ nợ công. Theo đó, ông Papandreou đồng ý sẽ từ chức và các chính đảng đã nhất trí tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 19/2/2012. Chính phủ mới có nhiệm vụ thực thi các điều kiện trong thỏa thuận cứu trợ mà EU đã nhất trí với Hy Lạp hôm 26/10, trong đó có điều kiện Athens phải siết chặt các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để giảm nợ công và thâm hụt ngân sách.

Mối nguy mới mang tên Italia

Các nhà lãnh đạo châu Âu ngày càng nản lòng trước sự bế tắc chính trị ở Hy Lạp, trong lúc họ muốn nước này thực thi các điều kiện đưa ra trong thỏa thuận cứu trợ đạt được hồi tháng 10, trong đó kêu gọi về các biện pháp khắc khổ hơn nữa. Trong khi đó, nguy cơ khủng hoảng nợ sẽ lan tới Italia đang gây thêm lo ngại cho các thị trường, giữa lúc lãi suất trái phiếu của nước này đang tăng lên. Tại cuộc họp dự kiến diễn ra vào cuối ngày 7/11, bên cạnh việc bàn về quyết định giải ngân thêm 8 tỷ euro (11 tỷ USD) cho Hy Lạp, các bộ trưởng tài chính Eurozone cũng sẽ tập trung vào vấn đề nợ của Italia.

Italia là nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone, với một thị trường trái phiếu Chính phủ lớn nhất khu vực. Với số nợ tương đương 120% GDP, các vấn đề nợ của nước này sẽ gây ra rủi ro lớn hơn nhiều cho các thị trường tài chính so với Hy Lạp. Lãi suất trái phiếu của Italia đã tăng mạnh trong những tuần gần đây, với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng 85 điểm cơ bản kể từ cuối tháng 9 và chạm mức kỷ lục 6,4% vào ngày 4/11. Trước lo ngại gia tăng về tình hình của Italia, các Bộ trưởng Tài chính Eurozone nói sẽ đẩy nhanh việc mở rộng quy mô của Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu.