Khủng hoảng Ukraine kìm hãm hoạt động sản xuất tại châu Á

Thu Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Reuters, trong tháng 3 vừa qua, hầu hết các hoạt động sản xuất tại các nhà máy châu Á bị chậm lại, nguyên nhân vì nhu cầu của Trung Quốc sụt giảm, chi phí nguyên liệu thô tăng cao do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.

Các công ty sản xuất ở châu Á đang phải gánh chịu sự gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài do khủng hoảng Ukraine. Ảnh: REUTERS
Các công ty sản xuất ở châu Á đang phải gánh chịu sự gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài do khủng hoảng Ukraine. Ảnh: REUTERS

Khi đại dịch COVID-19 có dấu hiệu hạ nhiệt tại một số nước thì chi phí nhiên liệu và lương thực tăng vọt đã làm lu mờ triển vọng của nhiều nền kinh tế châu Á vốn phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng.

Theo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), chỉ trong vòng tháng 3, hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng nhất trong hai năm vừa qua. Nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine và sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm COVID-19 trong nước.

Theo thống kê, kể từ đỉnh dịch COVID-19 năm 2020 tại Trung Quốc, đây là lần đầu tiên các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của nước này đồng loạt bị sụt giảm.

Các nhà phân tích cho rằng sự suy thoái ở “công xưởng lớn nhất thế giới” là “điềm dữ” với châu Á do Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tại Hàn Quốc, trong tháng 3, hoạt của các nhà máy cũng bị chậm lại, các đơn hàng xuất khẩu mới giảm mạnh nhất kể từ tháng 7 năm 2020. Nguyên nhân do Hàn Quốc chịu ảnh hưởng từ việc tăng giá đầu vào đối với các mặt hàng từ dầu mỏ, kim loại và chất bán dẫn.

Tương tự ở Đài Loan, Việt Nam và Malaysia, giá nguyên liệu thô tăng là gánh nặng cho các hoạt động sản xuất và dịch vụ.

Ngược lại, ở Nhật Bản, hoạt động sản xuất tháng 3 tăng trưởng nhanh hơn so với các tháng trước do nhu cầu trong nước tăng lên sau đại dịch.
Tuy nhiên Nhật Bản cũng không thoát khỏi ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Ukraine, do nhu cầu bên ngoài giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, các đơn đặt hàng xuất khẩu của nước này cũng bị sụt giảm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần