Những năm gần đây, số lượng người dùng TLĐT tăng mạnh dẫn đến tình trạng buôn lậu mặt hàng này ngày càng trầm trọng. Chỉ trong 3 tháng qua, lực lượng chức năng đã liên tiếp bắt giữ các vụ buôn lậu TLĐT số lượng lớn. Ngày 6/11, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT TP Hà Nội) tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh phụ kiện thuốc lá tại số 120, ngõ 97 phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, đã phát hiện cơ sở này tàng trữ 1.537 sản phẩm gồm máy hút thuốc, phụ kiện, tinh dầu dùng cho TLĐT. Trước đó, ngày 9/9, Cục QLTT Hà Nội qua kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh TLĐT tại số 6 phố Nhà Chung, phường Hàng Trống và số 5 phố Ngô Quyền, phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) đã phát hiện 1.348 sản phẩm hàng hóa là máy hút TLĐT, tinh dầu và các phụ kiện thay thế máy hút TLĐT do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, dù chưa được cấp phép nhập và kinh doanh nhưng TLĐT vẫn được bày bán công khai trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử với rất nhiều lời quảng cáo là sản phẩm ít gây hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường.
Đội trưởng Đội QLTT số 1 Hoàng Đại Nghĩa cho biết, hiện, TLĐT là mặt hàng không được phép kinh doanh tại Việt Nam. Để qua mặt lực lượng chức năng, tất cả hoạt động kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa chủ yếu được diễn ra trên mạng xã hội, Facebook. Điều đó cho thấy, việc sử dụng các sản phẩm này cũng như hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, quảng cáo không đúng quy định đang là vấn đề đáng báo động hiện nay.
Luật chưa theo kịp đời sốngLý giải nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu TLĐT đang có nguy cơ bùng nổ, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) Nguyễn Kỳ Minh cho biết, TLĐT là mặt hàng siêu lợi nhuận. Chẳng hạn, TLĐT hình chiếc bút chì, hút được khoảng 300 hơi, giá nhập chỉ khoảng 40.000 đồng/chiếc nhưng khi bán đến tay người dùng lên đến 160.000 - 200.000 đồng/chiếc. Điều đáng nói, trong quá trình xử lý, lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt dưới dạng hàng lậu do không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. “Nguyên nhân là do Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định số 77/2013/NĐ-CP chủ yếu hiện đang áp dụng cho các loại thuốc lá điếu truyền thống, chưa có khung pháp lý để xử lý việc kinh doanh TLĐT” - ông Minh phản ánh.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia Vũ Hùng Sơn cho hay, đến nay vẫn chưa có quy định xử phạt hành vi buôn bán TLĐT nên lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt ở mức nhẹ, ngành thuế không áp dụng thuế tiêu thụ. “Hiện nay, mặt hàng thuốc lá điếu đang chịu mức thuế nhập khẩu 100 - 135% cùng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao. Nếu áp mức thuế TLĐT tương đương sản phẩm thuốc lá lưu hành trên thị trường thì ngân sách có thêm nguồn thu đáng kể” - ông Sơn khuyến nghị.
Các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đề nghị, để xây dựng được điều luật quản lý TLĐT phù hợp thực tế, cần tổ chức thí điểm cho phép nhập khẩu kinh doanh TLĐT tại Việt Nam. Trưởng phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Cao Trọng Quý cho rằng, TLĐT là kết quả của việc áp dụng công nghệ trên toàn cầu, hiện vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam và các cơ quan quản lý. Vì vậy, việc tổ chức thí điểm sẽ giúp Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ thông tin để đánh giá TLĐT tác động tới kinh tế xã hội và mức độ rủi ro của sản phẩm như thế nào. Đồng quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, cần thực hiện việc đánh giá tác động, tham vấn đầy đủ các đối tượng chịu sự tác động của chính sách và các bên liên quan, đồng thời thận trọng trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản về việc quản lý TLĐT.