Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khuyến cáo ngừng bay Boeing 777 sau sự cố "động cơ rơi lả tả"

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn Boeing cho biết họ đã khuyến nghị đình chỉ việc sử dụng máy bay phản lực 777 của hãng, sử dụng loại động cơ đã gặp sự cố vào cuối tuần qua tại Denver, TP Colorado, Mỹ.

Mảnh vỡ từ động cơ của chuyến bay 328 United Airlines rơi xuống nhà dân ở Broomfield, Colorado, hôm 20/2.

Các cảnh báo liên quan đến động cơ Pratt & Whitney PW4000 được đưa ra sau khi một chiếc Boeing 777 của United Airlines đã hạ cánh an toàn xuống Denver hôm 20/2 (theo giờ địa phương) sau khi động cơ bên phải của nó bị hỏng.
Các hình ảnh được cảnh sát Colorado đăng tải cho thấy, những mảnh vỡ của động cơ máy bay đã được phát hiện rơi lả tả trên mặt đất, bao gồm cả một phần động cơ từ chiếc máy bay 26 tuổi nằm rải rác bên ngoài một nhà dân.
Ngày 21/2, United Airlines cho biết họ sẽ tự giác tạm ngừng 24 máy bay Boeing 777 đang hoạt động của mình, vài giờ trước khuyến cáo của nhà sản xuất. Những chiếc 777-200 và 777-300 bị ảnh hưởng là những chiếc cũ hơn và ít tiết kiệm nhiên liệu hơn những mẫu mới, và hầu hết các nhà khai thác đang loại bỏ chúng khỏi đội bay của họ.
Boeing cho biết, hiện có 69 máy bay dòng 777 đang hoạt động và 59 máy bay đang được cất giữ, giữa thời điểm nhu cầu bay của các hãng giảm đáng kể do đại dịch Covid-19. Nhà sản xuất khuyến nghị các hãng hàng không tạm dừng hoạt động cho đến khi các cơ quan quản lý của Mỹ xác định được quy trình kiểm tra phù hợp.
Theo Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Mỹ (NTSB), cuộc kiểm tra ban đầu của họ đối với chiếc máy bay gặp sự cố cho thấy hầu hết các thiệt hại chỉ nằm ở động cơ bên phải, khi cửa hút gió và vỏ bị rơi khỏi động cơ, trong khi 2 cánh quạt bị gãy.
Pratt & Whitney, thuộc sở hữu của Raytheon Technologies, cho biết họ đang phối hợp với các nhà khai thác và cơ quan quản lý trong khoảng thời gian kiểm tra sửa đổi đối với các động cơ.
Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), United Airlines là nhà khai thác máy bay Boeing 777 duy nhất tại Mỹ. Các hãng hàng không khác sử dụng chúng chủ yếu là ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản đã ra lệnh cho Japan Airlines và ANA Holdings đình chỉ việc sử dụng những chiếc 777 với động cơ PW4000, đồng thời xem xét liệu có áp dụng các biện pháp bổ sung hay không.
Bộ này cho biết, vào ngày 4/12/2020, một máy bay Boeing 777của Japan Airlines từ sân bay Naha đến Tokyo đã phải quay trở lại nơi xuất phát do trục trặc ở động cơ bên trái. Ủy ban An toàn Giao thông Nhật Bản ngày 28/12 cho biết họ đã tìm thấy 2 cánh quạt của động cơ bên trái cũng bị hư hỏng. Cuộc điều tra vẫn đang được tiếp tục.
Một quan chức của Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết họ đang chờ FAA hành động chính thức, trước khi đưa ra chỉ thị cho các hãng hàng không của mình. Cơ quan Mỹ cho biết sẽ sớm ban hành chỉ thị khẩn cấp về khả năng bay.