Khuyến công ở Hà Nội: Diện mạo mới cho ngoại thành

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Công nghiệp nông thôn Hà Nội (CNNT HN) thời gian gần đây đã góp phần không nhỏ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế NT theo hướng CNH, thực hiện tốt chủ trương "ly nông bất ly hương",

KTĐT - Công nghiệp nông thôn Hà Nội (CNNT HN) thời gian gần đây đã góp phần không nhỏ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế NT theo hướng CNH, thực hiện tốt chủ trương "ly nông bất ly hương", giảm sức ép cho khu vực nội đô, giải quyết việc làm cho một bộ phận không nhỏ lao động ngoại thành… CNNT đã phát huy vai trò quan trọng làm thay đổi rõ rệt bộ mặt các vùng ngoại thành Thủ đô.

 

Ông Hoàng Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn Phát triển công nghiệp HN cho biết: Với 1.350 làng nghề, trong đó có 244 làng nghề truyền thống và 272 làng nghề được công nhận trên địa bàn Hà Nội, từ năm 2005 - 2010 với tổng kinh phí được TP giao 34,31 tỷ đồng, các chương trình khuyến công địa phương đã góp phần quan trọng tăng giá trị SXCN Thủ đô trên 16%, trong đó riêng giá trị sản xuất CNNT tăng 19,25%. Hơn 4 vạn lao động nông thôn đã được tạo việc (chiếm trên 4% tổng số lao động tạo việc làm toàn TP), đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo ở các huyện ngoại thành Hà Nội tăng trên 20%, góp phần giải bài toán đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và cho các DN, cơ sở sản xuất CNNT nói riêng.


Các chương trình truyền nghề, nhân cấy và phát triển nghề giúp trên 100 làng xã từ chỗ thuần nông trở thành xã, làng có nghề, kinh tế hộ gia đình phát triển, thu nhập người dân ngày một tăng. Sản phẩm khu vực này cũng ngày càng đa dạng về mẫu mã, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm không ngừng tăng, nhiều cơ sở CNNT từ chỗ sản xuất manh mún trở thành DN lớn với trang thiết bị, nhà xưởng khang trang. Bên cạnh đó, công tác khuyến công còn tạo liên kết chặt chẽ hơn cho các cơ sở sản xuất CNNT cùng ngành nghề, giúp giải quyết được bài toán cạnh tranh không lành mạnh. Cũng nhờ khuyến công, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, DN được hỗ trợ đổi mới công nghệ và cải thiện ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, CNNT phát triển đã góp phần hoàn thiện hạ tầng cơ sở các huyện ngoại thành, 100% xã có điện sử dụng, 63% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, 80% hộ nông dân sử dụng nước đảm bảo vệ sinh…


Mặc dù vậy, lãnh đạo Sở Công Thương đánh giá, thời gian qua, tác động của khoa học công nghệ với khu vực DN CNNT còn hạn chế, đầu tư manh mún và thiếu đồng bộ, khả năng cạnh tranh cũng như lợi thế của các DN này chưa được khai thác hết do vai trò gắn kết của các hiệp hội ngành nghề chưa phát huy hiệu quả; Chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của DN. Đồng thời, thị trường tiêu thụ sản phẩm của các DN CNNT ít được mở rộng và đổi mới mà chủ yếu là thị trường truyền thống; Thế mạnh của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chưa được khai thác triệt để. CNNT Hà Nội 5 năm tới được dự báo có những bước phát triển đột phá, song vẫn tiềm ẩn nhiều yếu kém, sẽ làm giảm sức cạnh tranh của DN, cơ sở CNNT trên thương trường. Để CNNT Thủ đô có bước phát triển bền vững, TP cần có nhiều hơn chính sách hỗ trợ tạo điều kiện mọi mặt cho khu vực DN này.


Mới đây nhất, UBND TP có Quyết định số 1697/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2011 - 2015. Hà Nội phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng CNNT chiếm khoảng 20 - 25% tổng giá trị SXCN toàn TP, kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD. Mỗi năm các chương trình khuyến công tạo 8.000 - 10.000 việc làm cho lao động nông thôn, nâng thu nhập bình quân khối lao động này lên 1,8 triệu đồng/tháng vào năm 2015, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và NT. Tổng kinh phí thực hiện chương trình là 235 tỷ đồng (trong đó kinh phí TP hỗ trợ 86 tỷ đồng), sử dụng cho các hoạt động: Truyền nghề, đào tạo nghề; nâng cao năng lực quản lý cho lãnh đạo, cán bộ quản lý DN, cơ sở CNNT; xây dựng các mô hình trình diễn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu… Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng khẳng định, trong thời gian tới, TP sẽ rà soát hoàn chỉnh các chính sách trong lĩnh vực khuyến công nhằm tạo điều kiện tối đa cho DN, cơ sở sản xuất CNNT phát triển.