Kinhtedothi - Với lượng hàng phong phú, các chương trình đa dạng, Tháng Khuyến mại (TKM) Hà Nội 2015 đã trở thành “cú hích” kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm. Hoạt động này cũng đã hỗ trợ DN trong việc quảng bá, tiêu thụ hàng Việt.
Đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, sau 20 ngày triển khai hoạt động TKM, doanh số bán hàng tại 1.000 điểm tổ chức bán hàng khuyến mại đều tăng từ 15 – 20%, lượng khách tăng từ 20 – 30% so với tháng 10/2015.
Để có được kết quả này, tại các điểm bán hàng khuyến mại, các siêu thị điện máy HC, Pico, Hapro Mart, Parkson, Savico Mega Mall, Lan Chi, Fivimart, Hiền Lương, Big C… đã đưa ra chương trình giảm giá lên đến 50% cho hơn 50.000 sản phẩm, trong đó sản phẩm Việt chiếm trên 50%. Bên cạnh đó, nếu như trong những TKM trước đây, các chương trình khuyến mại chủ yếu được tổ chức trong khu vực nội thành thì trong kỳ tổ chức năm nay, Sở Công Thương đã chú trọng tới các huyện ngoại thành, qua đó quảng bá hàng Việt tới vùng sâu, vùng xa. Đơn cử, Trung tâm thương mại Lực Tiến Plaza (Ba Vì) lần đầu tham gia TKM, mặc dù người tiêu dùng (NTD) quanh khu vực chưa quen lắm với chương trình nhưng DN đã đẩy mạnh truyền thông nên người dân đã biết đến TKM, qua đó kích cầu tiêu dùng.
Mặc dù các DN đã có nhiều cố gắng trong quá trình đưa hàng Việt, chương trình khuyến mại đã lan tỏa đến các huyện ngoại thành, nhưng NTD phản ánh, cơ cấu hàng hóa trong TKM chưa phù hợp với tâm lý tiêu dùng của người dân. Để hàng Việt chiếm được lòng tin của NTD, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, để hàng Việt thực sự thuyết phục NTD tại các huyện ngoại thành đòi hỏi các DN phải nắm bắt tâm lý tiêu dùng của người dân, qua đó đưa ra cơ cấu hàng hóa phù hợp.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2016 nên Chương trình TKM được coi là cơ hội để các DN kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, để làm được điều này, bên cạnh việc các DN đa dạng sản phẩm còn đòi hỏi lực lượng chức năng phải đảm bảo quyền lợi NTD, DN tham gia chương trình. Bà Vũ Thị Ngọc Huệ – Trưởng phòng Marketing siêu thị điện máy Pico Nguyễn Trãi than phiền, đã có hiện tượng DN “nhái” điểm vàng, điều này ảnh hưởng đến uy tín của các DN tham gia chương trình. Thực tế cho thấy, một số DN không tham gia TKM nhưng vẫn treo biển bán hàng khuyến mại có hình thức, nội dung giống các dấu hiệu nhận biết của chương trình, đánh lừa NTD, ảnh hưởng đến uy tín chương trình. Đây không phải là lần đầu tiên tình trạng này diễn ra trong quá trình triển khai TKM Hà Nội. Năm 2014, Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện 2 vụ lợi dụng TKM để tổ chức khuyến mại nhưng không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước, kinh doanh hàng nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa…, qua đó xử phạt với số tiền trên 36 triệu đồng. Từ ngày 1/11 đến nay, QLTT cũng đã phát hiện một số DN ở khu vực giáp ranh giữa nội - ngoại thành mặc dù không tham gia TKM nhưng vẫn treo biển bán hàng khuyến mại đánh lừa khách hàng.
Để đảm bảo quyền lợi của NTD khi mua hàng trong TKM, Chi cục QLTT Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa của các DN tham gia chương trình. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra những DN có biểu hiện “nhái” điểm vàng giảm giá, thực hiện chương trình khuyến mại không đúng theo quy định của pháp luật, phát hiện DN sai phạm sẽ xử phạt theo luật định. Thậm chí, QLTT có thể áp dụng biện pháp rút đăng ký kinh doanh những đơn vị, DN, cửa hàng vi phạm.
Thị trường vào thời điểm cuối năm luôn diễn ra sôi động, nhu cầu mua sắm lớn, đồng thời thường xảy ra biến động về giá. Tuy nhiên, với việc duy trì và tìm những cách làm mới trong TKM đã và đang góp phần không nhỏ bảo đảm an sinh xã hội và bình ổn giá cả thị trường, cụ thể hóa những mục tiêu đề ra, đáp ứng những kỳ vọng của NTD Thủ đô.
Người tiêu dùng mua hàng khuyến mại tại siêu thị HC Phạm Văn Đồng. Ảnh: Hoài Nam
|