VCCI Cần Thơ vừa cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng ĐBSCL tháng 8/2021 đạt 1,97 tỷ USD (tháng 8/2020 là 2,48 tỷ USD), thặng dư thương mại đạt 108 triệu USD (tháng 8/2020 là gần 1,1 tỷ USD).
Tăng trưởng xuất khẩu tháng 8/2021 của vùng ĐBSCL -42% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu tăng 34%.
Tháng 8/2021, vùng ĐBSCL có 320 doanh nghiệp (DN) gia nhập thị trường (219 DN thành lập mới, 101 DN quay lại hoạt động). Trong đó, Kiên Giang có số DN thành lập mới nhiều nhất với 50 DN, kế đến là Long An (32 DN), Cần Thơ (22 DN), An Giang (18 DN), Tiền Giang (18 DN)…, ít nhất là Bến Tre với 3 DN.
Cùng thời gian này, toàn vùng có 179 DN rút khỏi thị trường (141 DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 38 DN đã giải thể).
Về thu hút đầu tư nước ngoài, Long An là tỉnh có số dự án đăng ký mới nhiều nhất với 10 dự án, vốn 21 triệu USD. Trong khi Hậu Giang là tỉnh có số vốn đăng ký nhiều nhất với 144 triệu USD (2 dự án).
Theo ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ, trong 3 tháng (6-8/2021), tại ĐBSCL đã có gần 10.000 DN rút khỏi thị trường; doanh thu trong quý II/2021 của hầu hết DN đều giảm sút vì có từ 40-50% đơn hàng không thực hiện được; chỉ 50% DN thực hiện được 50-70% kế hoạch kinh doanh. Trong tháng 8, hầu hết các hoạt động xuất khẩu ngưng trệ, chỉ xuất khẩu nhỏ giọt như gạo và thủy sản…
Trong 3 tháng, tại ĐBSCL đã có gần 10.000 DN rút khỏi thị trường. Ảnh: Giang Lam |
VCCI và Hội đồng Hiệp hội các DN ĐBSCL đã xây dựng khuyến nghị lộ trình mở cửa sau giãn cách, trên cơ sở 3 cuộc khảo sát quy mô cấp vùng, trao đổi trực tiếp với 30 lãnh đạo DN, làm việc với các chuyên gia và tổ chức 3 cuộc họp trực tuyến với hơn 120 DN đại diện cho các ngành và từng địa phương tại ĐBSCL.
Theo đó, lộ trình gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (14 ngày) bắt đầu từ 15/9/2021, là giai đoạn nới lỏng giãn cách, cho phép tái sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Địa phương cần cấp thẻ “công dân xanh” dành cho nhóm người lao động trong “vùng xanh” để có thể tham gia hoạt động, làm việc tại DN.
Người dân/người lao động trong “vùng đỏ” chưa được cấp giấy thì chưa được phép lưu thông và tham gia sản xuất kinh doanh. Nên xem xét thay thế “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” bằng giải pháp “3 xanh” (lao động xanh, con đường xanh, nhà máy xanh).
Giai đoạn 2 (60 ngày, từ 30/9/2021), mở rộng sản xuất có điều kiện, đây là giai đoạn các DN có thể phục hồi tốt, vì vậy cần liên kết các vùng nguyên liệu để đảm bảo cung ứng cho sản xuất.
Giai đoạn 3 là từ tháng 12/2021 hoặc từ tháng 1/2022, mở rộng sản xuất kết nối ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ. Theo đó, TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ là thị trường nội địa tiêu thụ lớn cho hàng hóa ĐBSCL. Đối với xuất khẩu, cần kết nối cảng biển lớn tại Đông Nam Bộ một cách thuận lợi nhất.
Ở giai đoạn 3, đánh giá tình hình dịch bệnh, tiếp tục khoanh vùng, người lao động sẽ có thêm nguồn vắc xin nên nếu ổn định có thể sử dụng chứng nhận tiêm vắc xin thay cho thẻ công dân xanh để tiện đi lại và kiểm soát.
Tùy tình hình sẽ quyết định cho việc mở rộng sang trạng thái bình thường mới, các ngành có thể trở lại hoạt động bình thường, không giới hạn nhưng phải gắn với những điều kiện quy định từ chính quyền nhằm đảm bảo phòng dịch an toàn…