Khuyến nghị về “sân chơi” bình đẳng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phần lớn doanh nghiệp bỏ ra nhiều chi phí không chính thức (hối lộ) lại thường không mở rộng phát triển sản xuất, thu hút thêm lao động.

"Báo cáo Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2011" do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) công bố sáng 21/11 cho thấy: Tuy môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang có chuyển biến tích cực, song khu vực DNNVV vẫn cần có những chính sách hỗ trợ riêng biệt để tăng trưởng, tiếp cận được nguồn lực bình đẳng với các DN lớn, thậm chí cần có vai trò dẫn dắt của khối DN Nhà nước…
Môi trường kinh doanh dần cải thiện 

Báo cáo điều tra DNNVV năm 2011 được phối hợp thực hiện bởi CIEM, Viện KH LĐ&XH, Khoa Kinh tế (ĐH Copenhagen) và Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển Thế giới (ĐH LHQ), với sự tài trợ của Cơ quan hợp tác phát triển Đan Mạch, tiến hành tại gần 2.500 DNNVV ngành chế biến thuộc 10 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM, Hà Tây (cũ), Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An. Thông tin thu thập được từ các DN được phỏng vấn điều tra năm 2005, 2007 và 2009, và tiến hành phỏng vấn sâu trong năm 2011.

Khuyến nghị về “sân chơi” bình đẳng - Ảnh 1
May hàng xuất khẩu tại Công ty May TNHH Việt Huy, huyện Thường Tín, Hà Nội.Ảnh: Việt Linh
Báo cáo đưa ra một thông tin gây bất ngờ: Phần lớn DN bỏ ra nhiều chi phí không chính thức (hối lộ) lại thường không mở rộng phát triển sản xuất, thu hút thêm lao động. Thậm chí, các DN này có xác suất thoát khỏi thị trường cao hơn 3% so với những DN không chi khoản phí này. Theo TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những DN làm ăn "không bài bản" có vẻ quan tâm nhiều hơn đến việc bỏ ra các chi phí không chính thức, ngược lại những DN làm ăn chân chính vẫn có thể phát triển bình thường. Một thông điệp mạnh mẽ đến các DNNVV Việt Nam là "hối lộ không làm cho DN tồn tại trong dài hạn". Điều đó cũng chứng tỏ môi trường kinh doanh ở Việt Nam gần đây đã có nhiều cải thiện.

Một số dấu hiệu tích cực khác là DNNVV chuyên môn hóa cao hơn, nhất là DN ngành chế biến gỗ. Năng suất lao động năm 2011 cũng tăng đáng kể, chủ yếu ở các DN nhỏ và siêu nhỏ... "Sự cải tiến năng suất lao động trong DNNVV cần được đánh giá sâu sắc để tìm lời giải cho chính sách phát triển kinh tế khi thực hiện tái cơ cấu theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững" - TS. Nguyễn Trọng Hiệu (Cục Phát triển DN Bộ KH&ĐT) nhấn mạnh. 

Vẫn nhiều quan ngại

Mặc dù môi trường kinh doanh dần cải thiện, song việc tiếp cận tín dụng khó khăn vẫn là vấn đề đáng quan tâm nhất của DNNVV. Điều tra cho thấy, 39% DN gặp khó khăn về tín dụng, nhất là số DN có khoản vay phi chính thức (từ bạn bè, gia đình…) gấp đôi số DN có khoản vay chính thức. Điều này khẳng định, nhu cầu tín dụng của DNNVV vẫn rất cao, nhưng các rào cản tín dụng chưa được cải thiện nhiều, chính sách hỗ trợ DN chưa được quan tâm thỏa đáng. Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV chưa giải quyết được nhu cầu vốn đầu tư dài hạn cho DN…

Một vấn đề đáng báo động là tỷ lệ DN cải tiến sản phẩm hiện tại đã giảm từ 41% còn 38%, đặc biệt ở DN nhỏ. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường của DNNVV chủ yếu là hàng nội và vấn nạn hàng nhập lậu vẫn nhức nhối, việc cải tiến sản phẩm phù hợp nhu cầu tiêu dùng nhằm chiếm lĩnh thị trường phải được coi là mục tiêu quan trọng hàng đầu đối với những DN này. Nếu xu hướng hàng nội bị lép vế tiếp tục kéo dài, rất có thể tỷ lệ các DNNVV phải sớm rút lui khỏi thị trường sẽ tăng. Từ đầu năm 2012 đến nay đã có trên 42.000 DN phải ngừng hoạt động, giải thể.
 
Ngoài ra, một vấn đề cũng đáng lưu ý cho các nhà hoạch định chính sách là sự hình thành các tổ chức công đoàn tại DNNVV và số DNNVV ngày càng giảm. Thực tế, nếu có thì vai trò của các tổ chức công đoàn tại DNNVV rất mờ nhạt và chưa được quan tâm thỏa đáng, trong khi khu vực này tạo ra 60 - 70% lao động phi nông nghiệp. Điều này dẫn đến chất lượng việc làm trong DNNVV rất thấp. 

Điều tra cũng cho thấy, DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động, chủ yếu do thiếu thông tin thị trường lao động hơn là thiếu lao động có tay nghề. Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất cần tăng cường hệ thống thông tin giúp kết nối người lao động với DN và kết nối kỹ năng của người lao động với yêu cầu công việc.

 
"Sau báo cáo "Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra DNNVV năm 2011", CIEM sẽ tiếp tục công bố hai báo cáo chuyên sâu về những vấn đề nổi cộm nhất trong khu vực DNNVV. Những kết quả điều tra này là nguồn thông tin hữu ích để các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cùng các đối tác thiết kế những giải pháp thích hợp nhằm tạo ra môi trường việc làm tốt tại Việt Nam - thể hiện ở mức lương công bằng và điều kiện làm việc, tạo ra tăng tưởng kinh tế bền vững." -  PGS.TS Lê Xuân Bá  - Viện trưởng CIEM