Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khuyến nông Hà Nội: Người bạn đồng hành của nhà nông

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 30 năm đồng hành cùng nhà nông, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình nổi bật, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp Thủ đô, mang lại diện mạo mới cho khu vực ngoại thành.

Lan tỏa nhiều mô hình mới

Dù chỉ 4 năm bén duyên với nông dân Hà Nội, cây nho Hạ Đen đã có mặt ở hầu hết các huyện trên địa bàn TP và mang lại hiệu quả tích cực. Không chỉ nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác, mô hình trồng nho Hạ Đen còn mở ra hướng mới, bắt nhịp với xu hướng phát triển của nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm.

Vườn nho Hạ Đen của hộ anh Nguyễn Hữu Hợi (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Ánh 
Vườn nho Hạ Đen của hộ anh Nguyễn Hữu Hợi (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Ánh 

Vườn nho Hạ Đen của hộ anh Nguyễn Hữu Hợi (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) là điểm đến trải nghiệm quen thuộc của khá đông khách du lịch Thủ đô.

Chia sẻ về sự thành công của mô hình, anh Nguyễn Hữu Hợi cho hay, cán bộ khuyến nông từ huyện đến TP đã đồng hành xây dựng mô hình, hỗ trợ tất cả các khâu từ giống, vật tư, kỹ thuật đến xây dựng thương hiệu. Nhờ đó, năm 2019, 2020 khi xuống giống, tỷ lệ đậu quả loại 1 của vườn đã lên tới 60%.

Đến năm 2022 là chu kỳ thứ hai cho khai thác quả, giá trị thu nhập trên một héc ta canh tác đã đạt tới 500 triệu đồng, dự kiến năm thứ ba và những năm tiếp theo khi cây trưởng thành, giá trị thu nhập còn tăng cao hơn nữa.

Không chỉ nắm chắc kỹ thuật và làm giàu cho gia đình, anh Hợi còn nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao giống, khoa học kỹ thuật cho bất kỳ hộ dân nào muốn tăng thu nhập từ cây nho Hạ Đen. 

Đi theo hướng phát triển đặc sản, giúp nông dân nâng cao thu nhập, khuyến nông Hà Nội xây dựng mô hình chăn nuôi dê kiêm dụng sữa thịt (năm 2021 – 2022) với quy mô 132 con bằng giống lai Bách Thảo.

Mô hình nuôi dê của ông Cấn Văn Phúc (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất). Ảnh: Thúy Vi
Mô hình nuôi dê của ông Cấn Văn Phúc (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất). Ảnh: Thúy Vi

Sau 12 tháng thực hiện (mô hình nghiệm thu tháng 5/2022) đàn dê đã sinh sản được 189 dê con và có 65 con dê tiếp tục chửa lứa 2. Tính hiệu quả kinh tế với quy mô 20 dê cái và 2 dê đực/hộ, cho sinh sản từ 40 – 60 con/năm, thời gian nuôi dê con 7 tháng xuất chuồng đạt trọng lượng khoảng 25 kg/con, cho lợi nhuận từ 50 – 100 triệu đồng/hộ/năm.

Tiếp nối thành công đó, năm 2022 Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục xây dựng mô hình chăn nuôi dê kiêm dụng sữa thịt, quy mô 220 con tại 4 điểm thuộc 2 huyện Thạch Thất và Sóc Sơn góp phần tạo vùng nguyên liệu cung cấp thịt dê sạch cho Thủ đô và tạo điều kiện cho các hộ vùng núi, đồi gò, bán sơn địa có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu tại địa phương.

Hay như mô hình nuôi kết hợp cá - lúa với quy mô 15 ha, thực hiện tại 7 điểm thuộc 5 huyện: Mỹ Đức, Thường Tín, Mê Linh, Thanh Oai, Quốc Oai đã khai thác tối đa quả kinh tế trên cùng diện tích.

Một mô hình nuôi cá chép theo hướng an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ngọc Ánh
Một mô hình nuôi cá chép theo hướng an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ngọc Ánh

Kết quả cho thấy, với mối quan hệ tương hỗ, chất thải của cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa, tận dụng triệt để được nguồn thưc ăn tự nhiên trên ruộng lúa cho cá, tiêu diệt các sâu bọ hại lúa góp phần giảm thiểu việc sử dụng hóa chất trong chăm sóc lúa.

Từ đó, đem lại nhiều lợi ích và năng suất lúa cao hơn. Cá sinh trưởng phát triển tốt, khi thu hoạch cá đạt trung bình trên 0,9 kg/con, năng suất đạt 10 tấn/ha, cho lợi nhuận từ 80 – 90 triệu đồng/ha, cao hơn 4,6 lần so với cấy lúa truyền thống.

Những trăn trở và ước vọng của cán bộ khuyến nông

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng hàng trăm mô hình ở tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, chăn nuôi đến nuôi trồng thủy sản… để lại nhiều dấu ấn trong thực tế sản xuất.

Thành quả rất đáng ghi nhận nhưng với những người làm khuyến nông thì vẫn còn đó nhiều trăn trở và ước vọng, để công tác khuyến nông ngày một đổi mới, đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu từ thực tiễn đời sống.

Mạ khay, cấy máy tại huyện Mỹ Đức. Ảnh: Ngọc Ánh
Mạ khay, cấy máy tại huyện Mỹ Đức. Ảnh: Ngọc Ánh

Thực tế cho thấy, có rất nhiều mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả cao, nhưng để nhân rộng trong sản xuất vẫn là cả vấn đề, thách thức luôn ở phía trước. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu chia sẻ, mạ khay cấy máy là một mô hình gắn với chủ trương lớn của ngành.

Triển khai thực hiện hiệu quả lĩnh vực này đồng nghĩa với việc không có đất bỏ hoang ở khu vực ven đô; các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp phát triển không lo thiếu nhân lực bởi ai làm nghề cứ làm, đất nông nghiệp mỗi năm 2 vụ lúa đã có hợp tác xã, tổ hợp tác gánh vác.

Người nông dân chỉ cần đứng đầu bờ, nhận lúa về. Nông dân cũng sẽ không phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” hay chong đèn đi cấy đêm để tránh cái nắng 40 độ. Lợi ích là vậy nhưng cả chục năm đưa mô hình vào đồng ruộng mới có khâu gặt đập đạt trên 90%, khâu cấy mới chỉ đạt khoảng 5% diện tích gieo cấy mỗi vụ.

Mô hình phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. Ảnh: Ngọc Ánh 
Mô hình phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. Ảnh: Ngọc Ánh 

Các mô hình khuyến nông của Hà Nội trước khi đưa vào làm điểm, hỗ trợ nông dân sản xuất để làm cơ sở nhân rộng đều được nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn kỹ càng. Cùng với đó là sự đồng hành của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp nên mang lại hiệu quả cao.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, các mô hình khuyến nông đã đáp ứng nhu cầu sản xuất của từng nhóm khác nhau từ nhóm hộ nông dân có kiến thức, kỹ năng, ham học hỏi làm giàu đến những nhóm nông dân vốn nhỏ, trình độ kỹ thuật hạn chế với mục đích vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, để khuyến nông thực sự trở thành người bạn đồng hành cùng nhà nông rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như những đổi mới về cơ chế chính sách. Đơn cử, Hà Nội đang phát triển mạnh các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng do chưa có định mức kỹ thuật đối với lĩnh vực này nên khuyến nông chưa thể xây dựng mô hình điểm.

Cán bộ khuyến nông Hà Nội đồng hành cùng nông dân trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Ngọc Ánh
Cán bộ khuyến nông Hà Nội đồng hành cùng nông dân trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Ngọc Ánh

Đáng giá về công tác khuyến nông, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương nhận định, nông nghiệp Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong những năm qua có sự đóng góp của đội ngũ những người làm công tác khuyến nông.

Họ thực sự là những người thầy, người bạn của nông dân trong việc hỗ trợ sản xuất, xây dựng mô hình, chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Thực tế phát triển của ngành nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự phát triển của khoa học, công nghệ đòi hỏi lĩnh vực khuyến nông phải có những đổi mới mạnh mẽ về hoạt động. Với nền tảng sẵn có, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cần tiếp tục xây dựng được nhiều mô hình mang lại hiệu quả thực tế cao, đóng góp cho sự phát triển của nông nghiệp Thủ đô.

 

Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, chi phí sản xuất tăng cao, công tác khuyến nông của Hà Nội vẫn đạt được nhiều kết quả trên tất cả các mặt, từ xây dựng mô hình, đến dự báo thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ thông tin tuyên truyền... Qua đó đã góp phần vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương