Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kìa vạt hoa hồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chị của một thời niên thiếu, thời mới lớn của tôi. Thời chị đã giúp tôi thắp lên ước mộng đầu đời, non nớt như cơn gió mong manh ngoài đê.

Vẻ đẹp và sự dịu dàng của chị gây cho tôi biết bao hoài bão, và rồi tạo cho tôi cái mầm đau thương đầu mùa. Chị khắc vào tim tôi một vết thương nhớ đời. Có bao giờ chị nhớ đến điều đó, hay những năm tháng nhọc nhằn và những giọt nước mắt tủi phận đã xóa nhòa bao kỷ niệm?

Trong vạt kỷ niệm của tôi và chị, màu hoa mướp vàng đã thắp lên lung linh và hoang hoải, cho tôi và chị nở những nụ cười đẹp như sao. Độ đó, khi tôi chừng năm tuổi thì trong mô hình chuyển đổi sản xuất, bố tôi rất ăn ý với bác Cân, bố chị Hằng. Hai nhà ở sát nhau. Vườn tược rộng và khu liên hợp ao hồ mà hai gia đình đấu thầu được đều ở phía trước nhà, rất cân xứng với con đường đất nhỏ dẫn ra cánh đồng. Xung quanh còn đường trồng những hàng cau thẳng tắp. Tổ hợp ao hồ được ngăn đôi diện tích, mỗi nhà một nửa. Cây mướp hương được bố tôi và bác Cân thống nhất trồng đại trà, bắc giàn trên vườn. Xung quanh ao hồ cũng bắc giàn cho dây mướp lan tỏa.

 
Minh họa: HOÀI VĂN
Minh họa: HOÀI VĂN
Tôi và chị Hằng thân nhau có lẽ cũng từ sự ăn ý trong sản xuất của hai nhà. Chị hơn tôi bốn tuổi. Ở tuổi lên mười, chị đã đẹp lung linh. Hai má lúm đồng tiền như hai ông sao. Như thể hai bông hoa mướp vàng diệu vợi đậu đôi bên. Kỷ niệm của chúng tôi là những buổi chiều hái mướp cùng nhau. Mướp hương màu xanh nhạt, hương thơm, lúc lỉu rủ xuống, cứ nhân lên những niềm vui trong trẻo của hai đứa. Kỷ niệm là những buổi tắm cùng nhau, với đám trẻ xóm rồi cười vang cả góc làng. Hay những buổi thả diều trên đê, hương mướp vấn vương bay theo con diều lẫn vào không trung diệu vợi. Hai đứa cứ thế lớn lên. Một điều chị, hai điều em.

 
*

*     *
Chị mười sáu, tôi mười hai. Chị thành cô nữ sinh lớp mười đằm thắm. Nụ cười xinh hơn, đôi môi tươi rói tuổi mới lớn. Khuôn ngực non căng tròn. Hàng ngày chị đạp xe tới trường, cách nhà chừng bảy cây số. Bạn cấp ba của chị nhiều quá. Có buổi họ nói chuyện vang cả một khúc đường. Tôi vẫn là thằng nhóc. Tôi sợ mất chị. Một lần tôi hỏi:

- Chị có đi mất không?

Chị cười:

- Ô hay, em hỏi gì lạ! Chị có đi đâu mà mất.

Chị không hiểu tâm trạng tôi. Ít nhất thì lúc này chị đã vượt tầm kiểm soát của tôi. Rồi chị sẽ đi xa, kết thân với những người bạn mới, sẽ quên tôi mất! Tôi xòe tay che mặt…

Chị khiến hàng xóm phải nức nở khen vì vóc dáng mây mẩy nữ tính. Mẹ tôi khen chị đẹp, sau này ắt hẳn đắt chồng, được hưởng phước. Mẹ chạm vào nỗi đau của tôi. Tôi không muốn điều đó xảy ra, càng sợ chị sẽ quên, không nhớ tôi nữa. Thế rồi, ngày đó cũng đến, chị vào đại học, ra phố tít tắp mù khơi. Tôi mong manh dễ vỡ ở lại quê nhà, tập tọe làm người lớn. Nhớ nhung gửi chị qua những lá thư, mỗi mùa rộ hoa mướp, tôi đều kẹp vào thư. Chị thư lại, nói hoa khô quắt, thâm úa, lần sau đừng gửi. Hoa mướp khô đâu còn mùi hương. Tôi hỏi bao giờ chị về? Về là về thế nào, về chơi hay về hẳn. Chị phân tích rằng, sẽ phải mất bốn năm học ngoài phố, và chị cũng sẽ tìm việc ở phố để làm, không về quê lấy chồng như một số người vẫn nghĩ. Tôi thốt lên trong vô vọng và con tim như chết điếng. Vậy là đã mất chị thật ư, không thể cưỡng lại được ư? Sự việc hệ trọng đến nỗi rất nhiều ngày tôi ngồi lẩm bẩm một mình, rằng nhớ, rằng mong. Mẹ thấy con trai có biểu hiện lạ, tương tư, bà nói với bố. Chuyện trẻ con đến tai người lớn. Bố tôi và bác Cân chỉ coi tôi là một đứa trẻ, với những suy nghĩ non nớt. Tất cả đều cười tôi, bảo: “Nó đang dậy thì vỡ tiếng”. Chẳng biết có bao giờ bác Cân nảy ra ý nghĩ gả chị Hằng cho tôi.

Mẹ hỏi tôi về chuyện cả ngày thơ thẩn ngoài vườn. Tôi hồn nhiên nói nhớ chị Hằng. Mẹ cười: “Rõ khổ, biết gì đâu mà nhớ hả con!”. Tôi nói: “Chị ấy đi xa thì con nhớ. Rồi mẹ cưới chị Hằng cho con nhé”. Mẹ lại cười. Chắc mẹ nghĩ đó là ý nghĩ bột phát của cậu con trai, chứ có gì to tát nghiêm trọng, có thể thậm chí mẹ còn nghĩ tôi chưa hiểu cưới xin là gì. Tôi cam đoan: “Con sẽ ngỏ lời cưới chị Hằng”. Mẹ nói: “Nó lớn hơn, đẹp thế, sao bằng lòng lấy con…”.

Lời mẹ vậy hiệu nghiệm. Chị về chơi, không sành điệu kiểu “hôm qua em đi tỉnh về”, nhưng chẳng còn ăn nhập với quang cảnh bình dị quê hương nữa. Quần bó sát, áo khoét cổ rộng. Môi đánh đỏ và mắt kẻ mày. Chân guốc cao đỏng đảnh. Động vào cái gì cũng sợ bẩn, chẳng hay lam hay làm như thủa nào. Tôi dẫn chị ra bờ ao. Hoa mướp vàng nhức mắt, cá quẫy uồm uỗm dưới ao. Lũ cá sống tầng sâu thi thoảng nhao lên đớp bóng vàng. Tôi đề nghị hái hoa tặng. Chị lắc đầu. Hái làm gì cái thứ hoa quê nửa mùa… Tôi ngơ ngẩn không nghĩ đó là lời chị. Sao lạ thế. Vậy, giờ chị thích hoa gì? Chị bảo, ngoài phố người ta bán nhiều thứ hoa sang trọng, có hoa hồng đỏ, hoa hồng xanh, hoa tulip từ xứ sở xa xôi nào đó nhập về. Hoa không chỉ đẹp mà mùi hương còn quý phái.

Tôi gợi ý chị nhớ về chiếc cầu ao. Cầu ao tuổi thơ chúng tôi đã rửa chân, hồn nhiên lội xuống tắm, chân tay quẫy đạp. Nước ao mùa này vẫn trong văn vắt. Chị em mình xuống tắm nhé. Mắt chị trợn tròn. Chị mà phải tắm ở đây á, eo ơi, ghẻ chết! Cuối cùng, nhìn thấy khuôn mặt thất vọng của tôi, chị đành tháo guốc, lột tất da vắt lên dây mướp và lội xuống rửa chân. Gót chân trắng và mong manh. Mong manh như quả tim tôi bây giờ. Người con gái sao bỗng trở nên xa lạ. Chị đã thuộc về thế giới khác...

Chị vớt nước, té lên không khí và bâng quơ nói: “Em học lớp mười rồi phải không? Nhanh nhỉ!” Chị còn nói nữa. Cứ như chỉ có mỗi chị mới làm được người lớn, mới thành sinh viên đại học.

**     *

Những lá thư giữa tôi và Hằng thưa thớt dần và rồi dừng hẳn. Tại chị hờ hững và chẳng có gì nói với tôi. Tôi chỉ biết thông tin về chị qua bác Cân, khi ông tâm sự với bố tôi. Bác Cân nói chị sống rất ổn và học rất tốt. Hàng xóm khen chị đẹp người, vào trường học tốt, sau này nên người. Gia đình bác Cân tự hào, nở mày nở mặt.

Thời gian thấm thoắt trôi. Tôi đỗ đại học Thủy lợi và ra phố. Trải qua nhiều khó khăn tôi mới tìm được chỗ ở của chị, dù Hằng không muốn. Qua điện thoại, chị nói gặp chẳng để làm gì. Tôi thảng thốt nghe lồng ngực mình chực vỡ vụn. Chị đã không sống tốt như tôi tưởng. Lẽ ra chị phải tốt nghiệp rồi, nhưng nợ môn quá nhiều nên phải trả một năm mới hết. Căn phòng chị thuê trọ chung với một cô gái sống bằng nghề nhậu thuê. Tôi quan tâm đến Hằng, dò la hỏi han bạn bè, tôi biết chị cũng đang làm vậy. Chị cần tiền để trát lên mình thứ nhung lụa hào nhoáng phố xá. Chị bị cuốn trôi theo những thói đua đòi và bia rượu hành hạ chị, khiến chị mờ mắt. Tôi là thằng sinh viên năm nhất chẳng biết gì, bỗng trở nên già dặn hơn khi phải tìm hiểu về chị. Làm sao để kéo Hằng trở lại là cô gái ngoan hiền?

Đêm ấy, trên cây cầu bắc qua sông Hồng lộng gió, chị nói mình không thể quay lại được nữa. Nước mắt chị nhỏ xuống sông. Đứng sát thành cầu, hai tay chị dang ra. Tôi hét lên: “Chị đừng làm dại”. Chị quay lại mắng: “Cậu tưởng chị làm bậy ư? Nhầm rồi, chỉ là thử cảm giác thôi”. “Nhưng rất nguy hiểm đấy”, nói vậy rồi tự nhiên tôi muốn ôm chị. Dẫu rằng chị đã trở nên xa lạ, nhưng tôi vẫn nặng lòng với những hoài niệm, và yêu chị. Giọng tôi thảng thốt: “Em ôm chị nhé”. Hằng nghĩ một lúc và lắc đầu: “Ôm làm gì, cậu là người trong trắng”. Tôi hiểu ý chị, nhưng tôi đã lớn, tôi thương chị và hiểu những gì chị đã trải qua. Tôi nói: “Chị đừng buồn, em sẽ ở bên chị. Em sẽ giúp chị vơi buồn”. Hằng lắc đầu: “Cậu không làm gì được đâu. Quá muộn rồi. Chị đã dấn quá sâu. Cậu mới ra đây, vẫn chỉ là một cậu nhóc, chưa hiểu gì đâu. Một khi khuôn mặt đã nhuốm chàm thì…”.

Hằng bỏ lửng câu nói, kèm một tiếng thở dài. Trời khuya vắng sao. Mắt đèn như mắt phố trêu ngươi. Gió cuốn hơi nước từ dòng sông, lành lạnh. Tôi đưa chị về, chỉ nghe tim mình đập. Nó kêu to đến nỗi tôi cảm giác chị cũng nghe thấy. Chị không nói gì, như đêm quê nhà thanh vắng. Hằng bảo tôi dừng ở đầu ngõ, tự đi bộ về dẫu tôi muốn đưa vào tận nơi. Trong lúc lưỡng lự, chị nhảy xuống. Tiếng guốc bấm vào ngõ khuya. Chị đi rồi, tôi vẫn đứng nhìn theo. Rồi một cảm giác rờn rợn chạy dọc sống lưng. Tôi cảm thấy chuyện chẳng lành sắp đến với chị. Tôi dong xe máy sâu vào trong ngõ. Quả nhiên phía kia, gã đàn ông đang khống chế chị, áp chặt Hằng vào tường. Gã tra vấn: “Em trốn đi đâu? Tại sao tắt máy, anh đã bảo phải mở để giữ liên lạc liên tục cơ mà?”.

Hằng phản kháng:

- Anh không có quyền kiểm soát em?

Gã đổi giọng, gằn lên:

- Cô sống bằng tiền của tôi, trát lên người bằng những thứ cũng bằng tiền của tôi. Giờ cô nói với tôi thế này ư?

- Tôi chán cảnh này rồi - Hằng đanh giọng - tôi muốn thoát khỏi anh!

- Giờ cô cao giá hả? Tôi nói cho cô biết, cô cũng chỉ là con điếm không hơn không kém. Dù thế nào cũng chẳng thoát được khỏi tay tôi đâu.

- Buông tôi ra và cút đi. Tôi không muốn thấy mặt anh. Những đồng tiền của anh cũng bẩn thỉu như anh vậy.

- Con điếm – gã gằn giọng, mày dám xua đuổi tao hở?

Bất ngờ, gã giơ tay giáng vào mặt Hằng một cú, rồi ngồi lên xe, ném lại một câu: “Mày chưa xong đâu”. Rồi gã phi mất.

Tôi lao đến đỡ Hằng lên. Chị loạng choạng chực ngã, nước mắt giàn giụa. Tôi nói sẽ đưa chị dời khỏi thành phố này. Phải trốn khỏi đây. Những cạm bẫy đã bủa vây và quấn lấy Hằng. Tôi biết đưa Hằng đi đâu?

Rồi dù cố gắng, tôi cũng không có cách nào để ngăn chị đừng dấn sâu thêm. Chị vẫn lao vào tiệc rượu, những đêm vui vẻ quá trớn rồi lại giấu nỗi buồn vào đêm và găm trong mái tóc dài rõa rượi.

**     *Chị đã cố trốn khỏi gã đàn ông đó, rồi bị đánh. Máu thấm trong đêm kinh hoàng. Tôi biết chuyện thì chị đã được chuyển vào bệnh viện, nằm thoi thóp thở. Thấy tôi, mắt chị sáng lên đôi chút, óng ánh niềm hy vọng. Chị bị gãy xương hàm, ba xương xườn và tinh thần bị tổn thương nặng. Cũng may chưa nguy hiểm đến tính mạng. Sau nửa tháng điều trị, tôi đưa Hằng về quê, như một cách trốn phố phường. Hoa mướp nở rộ. Những vạt hoa vàng thắp sáng góc trời quê, chỉ mắt chị thâm quầng và tâm trạng mệt mỏi. Chị ra đi kiêu sa, sau ngần ấy năm, đời ném lại một người con gái tuyệt vọng. Cha mẹ hỏi chuyện, chị giấu, tôi giấu. Nói vẫn tốt. Bình phục hẳn, chị lại rủ tôi và lũ trẻ hàng xóm bơi, thả diều. Chị đang cố tỏ ra thoải mái, hay chị đang nén lại cơn đau, khỏa lấp bằng những trò chơi thủa thiếu thời. Dù gì, thì giờ cũng là lúc để sống khác đi, phải không hoa vàng?q