Kịch bản nào cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh, đầu tầu kinh tế của cả nước. Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là, liệu kinh tế Việt Nam sẽ đi theo kịch bản nào?

Không đạt mục tiêu đề ra

Tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm là khá tích cực, song những rủi ro, thách thức của nền kinh tế còn rất lớn. Chẳng hạn, 5 tháng đầu năm, số lượng DN phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng tới 23% so với cùng kỳ năm 2020. Các ngành như du lịch, vận tải… gặp vô vàn khó khăn. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, 5 tháng đầu năm chỉ đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%), trong đó, vốn nước ngoài giải ngân thấp, chỉ đạt 2,97%.

 Ảnh minh họa

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự báo, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,8%. Nếu chỉ đạt được con số này thì có nghĩa tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm không đạt mục tiêu đề ra, thấp hơn tới 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết Số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%), và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I/2021 (tăng 5,92%).

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Chi NSNN ước đạt 43% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ đạt 34,85%).

Cũng theo Bộ KH&ĐT, số lượng DN đăng ký thành lập mới dự báo tiếp tục xu hướng tăng thấp (khoảng 1,6%) nhưng số vốn đăng ký mới dự báo xu hướng tăng cao (khoảng 34,8%); xu hướng DN rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức khá cao.

Nhìn vào diễn biến trong hiện tại của nền kinh tế, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% đã đề ra, trong quý III và quý IV, tốc độ tăng trưởng phải cao hơn kịch bản điều chỉnh hồi cuối quý I. Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, GDP 6 tháng cuối năm phải đạt từ 6 - 7%, và phải nỗ lực rất lớn trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp.

Vượt bão Covid-19 

Về triển vọng tăng trưởng những tháng cuối năm, theo Bộ KH&ĐT, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đây chính là “cỗ xe tam mã” thúc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và cũng là các biện pháp mà Việt Nam đã quyết liệt thực hiện kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái. 

Đồng thời tích cực chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những lĩnh vực cần sự công khai minh bạch. Kinh tế số sẽ giúp người tiêu dùng và DN gần nhau hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí, giúp nền kinh tế phục hồi trong đổi mới với chất lượng cao hơn. “Đặc biệt, các bộ ngành cần triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm và lao động tại các khu công nghiệp” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cuối tuần qua, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế với TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng chúng ta đang đi đúng hướng, cơ bản vẫn kiểm soát được tình hình. Thời gian tới, dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn, nhưng chúng ta phải tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu kép, với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả và sự chủ động, sáng tạo của các địa phương.

Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, Chính phủ nhận định không được chủ quan, phải hết sức thận trọng. “Phải ưu tiên cho việc chống dịch, nhất là những nơi dịch bùng phát, những nơi tâm dịch, nhưng những nơi tình hình đã ổn định thì ưu tiên phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh” - Thủ tướng chỉ rõ.

Phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nền kinh tế sẽ tiếp tục đà hồi phục trong 2 quý cuối năm 2021 và năm sau nhờ loạt 6 yếu tố. Thứ nhất, phản ứng chống dịch kịp thời và kiểm soát được dịch nhanh chóng, đi kèm với việc thúc đẩy tiến trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19; Thứ hai, nhu cầu tiêu dùng trong nước cải thiện; Thứ ba, nhu cầu bên ngoài cũng phục hồi đáng kể nhờ việc triển khai vaccine toàn cầu và các gói hỗ trợ kích thích kinh tế ở các đối tác thương mại lớn; Thứ tư, Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn của sự chuyển dịch làn sóng FDI toàn cầu; Thứ năm, Chính phủ tiếp tục tăng cường đầu tư công; Và thứ sáu, lạm phát và tỷ giá duy trì ổn định.