Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kịch bản nào tiêu thụ nông sản mùa dịch?] Bài 2: Hạn chế rủi ro nhờ liên kết chuỗi

Phương Nga - Ánh Ngọc - Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giải quyết câu chuyện đầu ra, kịp thời hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản mùa dịch, thời gian qua, các sở, ngành, chính quyền địa phương trên địa bàn Hà Nội đã có những cách làm sáng tạo.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành nông nghiệp cần xây dựng một kịch bản tiêu thụ nông sản mang tính chiến lược, dài hơi để sống chung với dịch.

Linh hoạt ứng phó

Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, sản lượng rau, củ, quả toàn huyện sản xuất ra đạt khoảng 50 tấn/ngày, trong khi nhu cầu tiêu thụ tại huyện chỉ khoảng 35 tấn. Do thực hiện giãn cách xã hội, mỗi ngày các xã còn khoảng 10 - 15 tấn rau, củ đến kỳ thu hoạch cần tìm nơi tiêu thụ. Trước tình trạng này, huyện đã khẩn trương xây dựng, triển khai phương án hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm cho nông dân. Đồng thời, thành lập Tổ chỉ đạo, điều phối cung - cầu các mặt hàng nông sản, thực phẩm cấp huyện, xã. Các tổ điều phối có trách nhiệm rà soát, tổng hợp danh sách những tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản trên địa bàn; sản lượng thu hoạch; lượng nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ/ngày. Đồng thời đăng thông tin trên một số kênh thông tin của xã, thị trấn, mạng xã hội, để kết nối đầu ra cho sản phẩm. Các xã, thị trấn tổ chức điểm tiếp nhận hàng hóa để vận chuyển đi, lập các điểm bán hàng tại thôn, xóm đáp ứng nhu cầu mua lương thực, thực phẩm của Nhân dân... Nhờ chủ động vào cuộc, huyện Hoài Đức đã không xảy ra tình trạng dư thừa nông sản trên đồng ruộng.
Người dân chọn mua rau xanh tại siêu thị Big C. Ảnh: Phạm Hùng
Tại huyện Chương Mỹ, để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm trong thời gian này, UBND huyện đã thiết lập nhanh các liên kết tiêu thụ. Theo đó, UBND các xã, thị trấn thành lập tổ kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn, cử cán bộ làm đầu mối kết nối giữ liên lạc với Phòng Kinh tế huyện và các đơn vị liên quan; tổng hợp danh sách tổ chức, cá nhân, phương tiện vận chuyển thu mua nông sản trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết, đối với nông sản có khả năng tiêu thụ trên địa bàn, các xã, thị trấn tạo điều kiện cho tiểu thương mua, bán nông sản phục vụ nhu cầu người dân; cho phép phương tiện vận chuyển nông sản qua các chốt kiểm dịch khi có giấy đi đường đúng quy định. Thông qua nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, các kênh liên kết hỗ trợ tiêu thụ, hàng trăm tấn nông sản của Chương Mỹ được tiêu thụ thuận lợi trong thời gian ngắn nhất.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, do giãn cách xã hội, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đăng ký cấp mã vận chuyển "luồng xanh" theo quy định. Đối với hoạt động vận tải bằng ô tô, về cơ bản, các đơn vị vận tải hàng hóa nông sản đã được cấp mã "luồng xanh" để được phép lưu thông hàng hóa qua các tỉnh, TP. Đối với vận tải hàng hóa bằng xe máy, sở đã phối hợp với Sở GTVT Hà Nội cấp mã vận chuyển cho các đơn vị đăng ký, tạo điều kiện cho vận chuyển hàng nông sản thực phẩm.

Cùng với việc rà soát lại năng lực sản xuất của từng địa phương đối với việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho khu vực nội đô, Hà Nội đã xây dựng kịch bản tập kết nông sản vào các kho lạnh và chuẩn bị danh mục những điểm tập kết, bố trí hàng trung chuyển ở ven khu vực nội đô để ứng phó với các tình huống xấu nếu dịch Covid-19 lan rộng, thời gian giãn cách xã hội kéo dài. Để gỡ khó khâu tiêu thụ, lưu thông nông sản, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét, đề xuất Bộ NN&PTNT cho TP sử dụng Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tại quận Cầu Giấy làm nơi tập kết trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh, TP về, giảm tải cho chợ đầu mối bị phong tỏa. Đồng thời phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương đề xuất 5 vị trí trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh, TP, huyện, thị xã vào khu vực nội đô.

Cần chiến lược dài hơi

Sau khi các cấp chính quyền và sở, ngành vào cuộc, việc tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn, thị trường bình ổn. Điều này cho thấy vai trò của những kịch bản tiêu thụ cụ thể của các sở, địa phương trong mùa dịch đã phát huy tác dụng thay vì để thả nổi thị trường. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thực tiễn quá trình tiêu thụ nông sản của Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua đã giúp cho ngành nông nghiệp Thủ đô vạch ra được phương án chiến lược tiêu thụ nông sản bền vững. Trong khi nhiều nông sản gặp khó khăn ở cả khâu sản xuất lẫn tiêu thụ vì dịch bệnh Covid-19, thì mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết trên địa bàn Hà Nội lại tiêu thụ rất hiệu quả.

Đơn cử như Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) đã đẩy mạnh công suất để cung ứng theo đơn đặt hàng. Giám đốc Hợp tác xã Bùi Thị Thanh Hà chia sẻ, mỗi ngày, cơ sở cung ứng gần 1 tấn rau, củ, quả các loại theo chuỗi. Do đơn vị có đầy đủ thủ tục nên khi đăng ký "luồng xanh" khá thuận lợi. Các nhóm rau được ký kết tiêu thụ gồm cải xanh, cải ngọt, rau dền, củ cải, hành, rau muống...; 100% sản phẩm của cơ sở sản xuất theo hình thức liên kết với DN, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích.

Đứng ở góc độ DN bao tiêu sản phẩm, Chủ tịch HĐQT Chuỗi thực phẩm Organic Green Nguyễn Văn Chữ cho rằng, để tiêu thụ thực phẩm trong giai đoạn hiện nay, phần lớn các trang trại đã sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn và có liên kết với DN từ trước. Nông sản muốn vào chuỗi thì phải sản xuất sạch, có hồ sơ truy xuất nguồn gốc; sản xuất nhỏ lẻ trong hoàn cảnh dịch bệnh rất khó để xoay xở đầu ra.
“Qua đó cho thấy, trong những lúc nghịch cảnh như hiện nay, mô hình chuỗi liên kết đã phát huy những ưu điểm và là xu hướng tất yếu trong tương lai” - ông Nguyễn Văn Chữ khẳng định.

Đưa ra các giải pháp chiến lược tiêu thụ nông sản, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, chỉ khi nào nông dân liên kết theo chuỗi với DN thì mới hạn chế được rủi ro. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường tiếp cận các DN có khả năng đầu tư lâu dài trong nông nghiệp, sẵn sàng chia sẻ lợi ích với nông dân để xây dựng các chuỗi liên kết. Bên cạnh đó, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thương mại qua sàn thương mại điện tử cũng là một giải pháp hữu hiệu mà ngành nông nghiệp đang triển khai. Cụ thể, hỗ trợ 60 tổ chức, DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp cận phương thức bán hàng online, livestream.

“Chúng tôi xác định, các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ dù hiệu quả nhưng chỉ giải quyết được khó khăn ở thời điểm hiện tại. Về lâu dài, cần khuyến khích cơ sở chủ động tìm hướng mở rộng thị trường, tăng cường liên kết, quảng bá và bán hàng theo phương thức ổn định, đẩy mạnh bán hàng online trên các trang thương mại điện tử là phương án mà địa phương nhận thấy hiệu quả cả trước mắt và lâu dài” - ông Chu Phú Mỹ khẳng định.

"Sàn thương mại điện tử là một trong những kênh bán hàng hữu hiệu, nhất là các mặt hàng nông sản trong dịch Covid-19. Bởi sàn thương mại điện tử có ưu điểm chi phí thấp kéo theo giá bán một số mặt hàng nông sản rẻ hơn mua trực tiếp, không bó buộc thời gian mua sắm. Chính vì vậy, Hà Nội cần hỗ trợ kinh phí cho DN thương mại điện tử xây dựng những trang web bán hàng độc lập hoặc hỗ trợ DN, người nông dân tham gia đưa hàng vào các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki, Shopee… tiêu thụ." - Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

(Còn nữa)