Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản: Cần số hóa dữ liệu nông sản Vai trò kết nối thông tin, dữ liệu giữa người sản xuất và tiêu thụ trên thị trường là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, đó lại là nhược điểm chung của ngành nông nghiệp. Hà Nội vừa là vùng sản xuất lớn vừa là thị trường tiêu thụ khổng lồ nên việc số hóa dữ liệu thông tin nông sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, Hà Nội cần những đánh giá chi tiết về cung cầu, trên cơ sở xây dựng hệ thống thông tin theo dõi giám sát, báo cáo chính xác số liệu từ sản lượng nông sản đến nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó nắm bắt được hiện trạng, đoán được xu hướng.
Hà Nội cần xây dựng kịch bản chi tiết cho nhiều mặt hàng nông sản chủ lực. Nghiên cứu đánh giá tốt về sản lượng, khả năng tái đàn, khả năng canh tác, dự báo nhu cầu để thấy được chênh lệch cung cầu thế nào? Sau khi có bức tranh tổng thể rồi, Hà Nội cần số hóa dữ liệu để xây dựng các kịch bản tiêu thụ nông sản, cân đối cung cầu trong mọi tình huống.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã dữ liệu hóa chuỗi nông sản an toàn của 32 tỉnh, TP phía Bắc, trong đó có Hà Nội; thống kê sản lượng, nhu cầu và mức độ tiêu dùng của người dân từng địa phương. Từ dữ liệu đó, cơ quan chức năng sẽ điều tiết sản xuất, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ... Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa có tính lâu dài, từng bước gắn sản xuất với thị trường, bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Nên có Ban chỉ đạo sản xuất, thu mua và tiêu thụ nông sảnDịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp chưa thể khống chế nên trên tất cả các khâu từ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, thị trường tiêu thụ đều gặp khó khăn… Do đó, các địa phương nói chung và Hà Nội nói riêng cần xây dựng kế hoạch ấn định ngày giờ thu hoạch, địa điểm tập kết nông sản qua đó DN bán lẻ xây dựng phương án tiêu thụ phù hợp. Đặc biệt, để tạo sự đồng thuận trong lưu thông tiêu thụ Chính phủ nên thành lập Ban chỉ đạo sản xuất, thu mua và tiêu thụ nông sản giúp cho người dân càng sớm càng tốt. Ngoài ra, để tập trung vào việc ổn định và phát triển kinh tế mà trước mắt là khâu sản xuất, tiêu thụ nông sản, các địa phương nên phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho 3 ngành Công Thương, NN&PTNT, GTVT trong quá trình triển khai tiêu thụ nông sản.
Cụ thể, Bộ GTVT cần tạo “luồng xanh” trong việc vận chuyển, địa phương dừng ban hành “giấy phép con” gây cản trở lưu thông hàng hóa trái với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ; ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe, người thu mua, bốc xếp nông sản. Bộ Công Thương kết nối, tạo mọi điều kiện cho các đơn vị kinh doanh nông sản triển khai việc thu mua cho bà con nông dân với giá sàn quy định, tránh trường hợp thương lái ép giá. DN, hợp tác xã, hộ sản xuất cũng cần có sự liên kết và tăng cường các phương thức bán hàng mới như các kênh thương mại điện tử, sẵn sàng các phương án chế biến bảo quản tiêu thụ lâu dài. Các cơ quan chức năng cũng cần hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ mở rộng thị trường ngoài nước hay khâu lưu thông, thông quan qua các cửa khẩu được thuận lợi.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ: Chuỗi liên kết vẫn đứng vững Dịch Covid-19 như phép thử cho thấy chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản vẫn có thể đứng vững trước khó khăn, đứt gãy của thị trường. Do đó, trong thời gian tới, để chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản phát huy hiệu quả, bền vững, chính quyền địa phương cần lựa chọn những DN, hợp tác xã, hộ nông dân đủ điều kiện tham gia chuỗi liên kết và quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về phía Sở NN&PTNT, để tổ chức lại sản xuất, ngành nông nghiệp sẽ tập trung củng cố và thành lập mới các chuỗi ngành hàng nông nghiệp chủ lực, trong đó giải quyết tốt các yếu tố liên kết, hợp tác và thị trường để tăng “chất lượng, hiệu quả, giảm rủi ro” trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Song song với đó, tiếp tục mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân về khoa học kỹ thuật, cách thức tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối DN và nông dân ký kết hợp đồng kinh tế, có điều kiện ràng buộc, bảo đảm quyền lợi giữa hai bên. Ngoài ra, Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu với UBND TP có chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã xây dựng các mô hình điểm về kho lạnh bảo quản, dây chuyền chế biến nhằm góp phần gia tăng giá trị nông sản.
Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan: Không phụ thuộc vào một thị trườngKhi dịch Covid-19 bùng phát, một số chợ đầu mối, chợ truyền thống phải tạm thời đóng cửa, kênh tiêu thụ truyền thống của nông sản bị gián đoạn. Do đó, để không bị động, phụ thuộc vào một thị trường, chúng ta cần phải đa dạng hóa kênh tiêu thụ nông sản như chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, xuất khẩu…
Một giải pháp đặc biệt quan trọng trong thời dịch là đẩy mạnh bán hàng online. Chính vì vậy, các cá nhân, DN cần đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trong thời gian này. Tuy nhiên, để phát huy những thế mạnh của sàn thương mại điện tử, người sản xuất, hợp tác xã, DN cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, lấy được niềm tin của người tiêu dùng không chỉ trong thời gian dịch bệnh mà ngay cả sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Bên cạnh đó, các địa phương cũng nên đầu tư năng lực chế biến, bảo quản nông sản để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu: Đưa nông sản vào kênh bán lẻ hiện đạiHiện nay, kênh bán lẻ hiện đại là những trung tâm thương mại và siêu thị đòi hỏi gắt gao tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, siêu thị còn kiểm tra, đánh giá thực tế cơ sở sản xuất mới quyết định ký hợp đồng với nhà sản xuất. Do đó, nông dân, HTX cần đặc biệt lưu ý vấn đề sản xuất an toàn để sản phẩm đạt chất lượng đồng đều. Để làm được điều này, bắt buộc phải đồng bộ về giống, thống nhất quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng. Bên cạnh đó, nông dân cần nghiên cứu đa dạng sản phẩm để tăng sản lượng tiêu thụ. Đồng thời, các hộ sản xuất nhỏ lẻ cần liên kết với nhau thành tổ, nhóm sản xuất để cử ra người đại diện kết nối với các tổ chức, DN tiêu thụ sản phẩm. Về lâu dài, Hà Nội nên tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng an toàn cũng như xây dựng thương hiệu nhằm tăng giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường.