Kích cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã khiến sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh. Để kích cầu tiêu dùng, ngành công thương Hà Nội tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, kết nối cung - cầu. Đây là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ DN khai thác thị trường nội địa tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền khuyến mại tại siêu thị Big C thông qua chương trình kết nối cung cầu giữa Hà Nội với các tỉnh. Ảnh: Lê Nam
20.000 tỷ đồng khuyến mại kích cầu tiêu dùng
Dịch Covid-19 đã khiến sức mua giảm sút, một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của Hà Nội 5 tháng đầu năm không đạt được như mong muốn. Vì vậy, chương trình khuyến mại tập trung TP Hà Nội 2020 là một trong những giải pháp hữu hiệu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
Tại Hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 1/9, Sở Công Thương Hà Nội thông tin: Từ tháng 6 đến nay, TP Hà Nội đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại tập trung 2020, qua đó tiếp nhận 4.963 thông báo/đăng ký khuyến mại của các DN tham gia thực hiện chương trình với tổng giá trị khuyến mại trên 20.000 tỷ đồng. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành công thương Hà Nội tiếp tục tổ chức nhiều chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng. Cụ thể, trong tháng 11, tổ chức Tháng khuyến mại Hà Nội 2020 với nhiều hoạt động lớn như: "Ngày hội tiêu dùng 4.0"; "Sự kiện thương mại điện tử kết nối cung cầu", "Ngày hội khuyến mại du lịch", "Ngày vàng khuyến mại", "Hội chợ vàng khuyến mại"... “Những hoạt động khuyến mại sẽ là đòn bẩy hữu hiệu vực dậy các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19” - bà Lan nói.
Việc tổ chức các chương trình khuyến mại đã khiến doanh thu của hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội phần nào hồi phục. 8 tháng qua, doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TP đạt 243,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Với nhiều hoạt động thiết thực, chương trình khuyến mại tập trung TP Hà Nội 2020 sẽ là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng hiệu quả. 
Khơi thông thị trường nội địa
Dịch Covid-19 khiến DN gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Để hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ hàng hóa, DN khôi phục sản xuất kinh doanh, Sở Công Thương Hà Nội đã và đang tổ chức nhiều chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, giúp DN sản xuất và bán lẻ ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Từ đầu năm đến nay, thông qua hoạt động kết nối, TP Hà Nội đã tổ chức 6 tuần hàng nông sản thu hút 17 tỉnh, TP tham dự như Sơn La, Hải Dương, Nam Định, Quảng Ninh, Điện Biên, Hưng Yên… qua đó giới thiệu hàng chục mặt hàng trái cây, nông thủy sản tới người dân Thủ đô. Đồng thời tạo cơ hội cho các tỉnh, thành kết nối, hợp tác với siêu thị Big C, Vinmart và các hệ thống bán lẻ tiêu thụ ổn định đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, giúp DN chủ động nguồn hàng dự trữ, cung ứng cho Hà Nội khi có biến động do Covid-19. Nói về lợi ích mà hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa mang lại, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương nêu rõ, kết nối cung - cầu là tiền đề vững chắc giúp sản phẩm Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế khi đã khống chế được dịch Covid-19. Đồng thời giúp DN đánh giá chính xác nhu cầu thị trường nội địa, từ đó chuyển hướng sản xuất phù hợp thực tế; kết nối giữa các DN sản xuất, phân phối của Hà Nội trong việc tiêu thụ hàng hóa.
Thực tế cho thấy, không phải chỉ khi có dịch Covid-19, Hà Nội mới tổ chức kết nối cung – cầu. Những năm qua, ngành công thương Hà Nội đã liên tục tổ chức hoạt động này. Chỉ tính riêng giai đoạn 2018 - 2019, Hà Nội đã ký kết hợp tác giao thương, cung ứng hàng hóa với 44 tỉnh, thành, qua đó hỗ trợ DN đưa 350 sản phẩm vào hệ thống bán lẻ Hà Nội tiêu thụ.
Nhằm hỗ trợ các tỉnh, thành kết nối tiêu thụ sản phẩm, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND về tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành trong năm 2020. Cụ thể, từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tổ chức 3 - 5 tuần hàng trái cây, nông sản; 5 hội nghị, hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa tại Hà Nội, đồng thời hỗ trợ các tỉnh, thành tổ chức 15 - 20 tuần lễ trái cây, nông sản...
Kết quả hoạt động kích cầu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ hàng hóa của TP Hà Nội cho thấy, thị trường nội địa chính là nơi có thể giúp DN đứng vững trong khó khăn do Covid-19.
Qua nắm bắt những khó khăn của DN do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế, nguồn vốn vay cho DN. Cụ thể, Sở Công Thương Hà Nội đã đề xuất giảm 37 loại phí, lệ phí thuộc lĩnh vực công thương, trong đó đề xuất 6 loại phí, lệ phí giảm 66,7%; 1 loại giảm 57%; 27 loại giảm 50%; 1 loại giảm 30%; 2 loại giảm 20%.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần